+
Aa
-
like
comment

Việt Nam tận dụng tốt ‘thời gian vàng’ để dập dịch Covid-19

24/08/2020 10:04

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định Việt Nam chưa có đỉnh dịch bởi chúng ta áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống quyết liệt, hiệu quả.

Thời gian gần đây, số lượng người mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước có xu hướng giảm so với giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8. Liên tiếp 3 buổi sáng, Bộ Y tế thông báo không ghi nhận thêm bệnh nhân dương tính. Điều này phản ánh đỉnh dịch Covid-19 đã qua?

Lực lượng dập dịch hùng hậu

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cho rằng mỗi loại bệnh truyền nhiễm có “thời gian vàng” dập dịch khác nhau. Với Covid-19, thời gian này có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Chuyên gia này đánh giá ngành y tế Việt Nam đã và đang tận dụng tốt thời gian này để dập dịch. Bằng chứng là từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Y tế có mức độ ra quân hùng hậu, mạnh mẽ như đợt dịch này.

So ca mac Covid-19 giam anh 1

Ngành y tế có những hoạt động giám sát, khoanh vùng và phát hiện dịch tích cực ngay từ đầu, khả năng xét nghiệm được nâng cao. Đặc biệt, chủ trương của chúng ta là xét nghiệm toàn bộ người có nguy cơ để phát hiện sớm ca mắc, giảm lây lan trong cộng đồng.

Với thành phố đông dân, nhiều du khách như Đà Nẵng, khả năng truy vết lịch trình di chuyển của người bệnh rất khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống y tế trung ương đổ toàn lực để khoanh vùng, phân nhóm, xét nghiệm từ khu vực nguy hiểm nhất đến toàn địa bàn. Không chỉ lực lượng y tế, sự phối hợp của người dân Đà Nẵng, du khách cũng góp phần tạo nên thành quả này.

“Nếu đứng từ xa, chúng ta khó nhìn thấy những gì người Đà Nẵng đang làm. Họ tìm hiểu nguồn lây, chấp nhận giãn cách xã hội, cách ly tập trung, phát thẻ đi chợ… Do đó, không có chuyện số ca nhiễm giảm tự nhiên hoặc dịch bệnh đi xuống. Đó là sự hy sinh, công sức của nhiều người cho sự nghiệp chung”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Lực lượng công an, y tế tăng cường giám sát người ra vào thành phố tại cửa ngõ Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám.

Ông chia sẻ hai nhóm đang làm việc quá tải và xuyên suốt từ đầu dịch đến nay là điều tra và xét nghiệm. Do đó, bác sĩ này hy vọng người dân tích cực hợp tác, chủ động phối hợp để phòng, chống dịch tốt hơn.

Việt Nam chưa có đỉnh dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết sau khi Bộ Y tế công bố lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân nhiễm virus ở chợ, ông đánh giá dịch Covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng từ trước.

“Thông thường, khi dịch lây nhiễm trong cộng đồng với số lượng nhất định thì mới lan đến cơ sở y tế, khu điều trị bệnh nhân tiên lượng nặng. Điều này có nghĩa là khi phát hiện ca mắc ở các bệnh viện Đà Nẵng, nhiều người ngoài cộng đồng đã nhiễm virus. Như vậy, dịch có thể đã lây lan trong cộng đồng ở Đà Nẵng từ 2 đến 3 tuần trước khi phát hiện ca đầu tiên”, bác sĩ Khanh nhận định.

Chuyên gia này lý giải nguồn bệnh ngoại lai xâm nhập thường đến các khu vực công cộng, tập trung đông đúc như khách sạn, chợ, siêu thị… Do đó, trước khi lây nhiễm trong cơ sở y tế, nguồn bệnh có thời gian di chuyển nhiều nơi trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (giữa) trao giấy xuất viện cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang vào ngày 13/8.

Theo bác sĩ Khanh, đỉnh dịch là thời điểm ghi nhận hàng loạt người nhiễm bệnh, số ca tăng đỉnh điểm sau đó giảm dần. “Đến nay, Việt Nam chưa có đỉnh dịch và chưa chắc có nếu tiếp tục duy trì biện pháp phòng, chống như hiện tại”, ông đánh giá.

Với số lượng ca nhiễm ngày càng giảm, chuyên gia này cho rằng thời điểm dịch cao nhất ở Đà Nẵng đã qua. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện tốt, số ca mắc mới có thể tăng nhưng tốc độ sẽ giảm xuống.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định đỉnh dịch đã qua. Đỉnh dịch phụ thuộc vào cách chúng ta phòng, chống và nỗ lực ngăn chặn. Với sự siết chặt của toàn ngành y tế và cộng đồng, Việt Nam luôn kiểm soát được số ca nhiễm mới”, ông khẳng định.

Bích Huệ/ZN

Bài mới
Đọc nhiều