Việt Nam sẽ tiếp tục là ‘đối tác quan trọng’ dưới thời Biden
Biden sẽ “đưa nước Mỹ trở lại” bằng cách mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chuyên gia nhận định.
Joe Biden, từng là phó tổng thống dưới thời Barack Obama giai đoạn 2008-2016, được truyền thông Mỹ đồng loạt xướng tên là tổng thống đắc cử hôm 7/11, sau 32 năm theo đuổi giấc mơ lãnh đạo Nhà Trắng.
Trong suốt chiến dịch tranh cử lần này, Biden luôn cam kết đưa Mỹ trở lại vai trò “anh cả” trên vũ đài quốc tế. “‘Nước Mỹ trên hết’ của Trump là ‘Nước Mỹ đơn độc'”, Brian McKeon, cố vấn chính sách đối ngoại của Biden, từng nói.
Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á và giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia, chia sẻ với VnExpress rằng việc Biden trở thành tổng thống Mỹ đồng nghĩa chấm dứt sự gián đoạn được tạo ra bởi Trump cùng các chính sách dựa trên “bản năng hơn là chiến lược được xây dựng cẩn thận”.
“Khi đắc cử, Biden nói rằng Mỹ sẽ trở lại. Mỹ sẽ tập trung vào chủ nghĩa đa phương, hợp tác với đồng minh và đối tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu, như đại dịch Covid-19, biến đối khí hậu, nối lại tài trợ cho WHO, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hợp tác với EU và NATO, cũng như đóng vai trò xây dựng trong Liên Hợp Quốc”, ông Thayer cho biết.
Với cam kết mở rộng hợp tác quốc tế, giới quan sát nhận định Biden sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bằng cách tăng cường hợp tác với nhiều đồng minh trong khu vực như Australia, Nhật Bản và các quốc gia nhỏ hơn.
“Dù là ông Obama trước đây hay ông Donald Trump hiện nay, hay nếu trúng cử là ông Joe Biden sắp tới, rõ ràng châu Á – Thái Bình Dương là phần rất quan trọng trong chiến lược chung của nước Mỹ. Và Mỹ sẽ phải tiếp tục gắn kết, tiếp tục tăng cường hợp tác vào khu vực này”, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định.
James Carouso, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là giám đốc điều hành BowerGroupAsia, công ty tư vấn chiến lược ở Singapore, cho rằng chính quyền của tổng thống đắc cử Biden sẽ “hợp tác nhiều hơn với ASEAN và cử lãnh đạo cấp cao tham gia các cuộc họp” với tổ chức của các nước Đông Nam Á này.
Theo giáo sư Thayer, với trọng tâm chính sách xoay trục mạnh hơn sang châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền Biden sẽ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực.
“Chính quyền Biden sẽ tiếp tục xem Việt Nam là đối tác quan trọng để giải quyết các vấn đề trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông”, ông Thayer nói.
Trong nhiệm kỳ của Trump, Mỹ đã có lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 7, Mỹ ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này. Giới phân tích nhận định lập trường của Biden về Biển Đông sẽ có nhiều điểm tương đồng với chính quyền Tổng thống Trump.
“Chính quyền của Biden sẽ tiếp tục từ chối cơ sở pháp lý trong tuyên bố về Biển Đông của Trung Quốc và giữ nguyên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc”, ông Carl Thayer nói về phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” Bắc Kinh đơn phương đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông.
Trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ hồi tháng 2, Biden tuyên bố ông muốn Trung Quốc hiểu rõ rằng “họ phải chơi theo luật” trên Biển Đông.
Tiến sĩ Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, “có thể đe dọa lợi ích” của Washington, ngay từ thời tổng thống Obama, châu Á – Thái Bình Dương đã được xem là khu vực quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, và Đông Nam Á lại có vị trí chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, ông Cường nhận định mối quan hệ Mỹ – Việt luôn được coi trọng và nhận được sự đồng thuận của hai đảng “dù ai là tổng thống Mỹ”.
Trong 25 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 và nước Mỹ đã trải qua bốn lần thay đổi lãnh đạo, mối quan hệ hai nước vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành tựu. Năm 2016, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019.
“Chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ không đe dọa áp lệnh trừng phạt hoặc thuế quan đối với Việt Nam, nhưng sẽ hành động thực tế để giải quyết các vấn đề thương mại tồn đọng, gồm các rào cản của công ty Mỹ khi tiếp cận thị trường Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu của Mỹ”, giáo sư Thayer dự đoán.
Cựu đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng mối quan hệ giữa hai nước bất kỳ nào đều khó tránh khỏi những vấn đề khúc mắc, khác biệt. Nhưng điều quan trọng chính là hai bên cần “tăng cường hiểu biết, đối thoại” để cùng nhau giải quyết. Thực tế, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng cơ chế được gọi là PIFA để cùng chia sẻ, bàn bạc về tất cả vấn đề mà hai bên quan tâm, cũng như giải quyết các điểm khác biệt.
Theo cựu đại sứ, quan hệ Việt – Mỹ vẫn duy trì đà phát triển và mở rộng theo hướng hai bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau dù trải qua nhiều đời tổng thống Mỹ.
“Việt Nam là một nước có vị trí ở khu vực và thế giới, và ngày càng hội nhập sâu. Nước Mỹ cũng cần một Việt Nam vững mạnh và hội nhập như vậy, khi Mỹ hợp tác với khu vực này. Do đó, hai nước chỉ không chỉ có quan hệ về mặt song phương, mà còn quan hệ về khu vực và đa phương”, ông Vinh chia sẻ.
Thanh Tâm/ VNE