+
Aa
-
like
comment

Việt Nam sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 vào quý I

29/01/2021 21:42

“Vaccine nội hay ngoại đều phải có kế hoạch triển khai, chứ không thể tiêm đại trà ngay”, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu nói.

Chiều 29/1, ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5 của Đại hội XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục triệu tập cuộc họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình về việc phòng chống dịch Covid-19.

Ông nhấn mạnh Bộ Y tế phải đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc mua vaccine bằng ngân sách Nhà nước và xã hội hóa hỗ trợ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp cấp phép khẩn cấp cho phép vaccine AstraZeneca do Anh sản xuất.

“Chúng tôi đã trao đổi chặt chẽ với công ty của Anh về vaccine này. Công ty này cam kết bán cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ quyết định theo chỉ đạo của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng nói.

Bộ Y tế cũng đẩy nhanh tiến độ đàm phán với hai đơn vị là Pfizer và Moderna, cùng các nhà sản xuất vaccine khác tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga. Bộ Y tế đã giao cho một đơn vị có thể phối hợp với Nga trong cả thử nghiệm và sản xuất.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong thử nghiệm vaccine vì vaccine Việt Nam sản xuất cũng phải thử nghiệm tại các nước khác, đặc biệt tại những nơi có dịch.

“Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á tự nghiên cứu, tự thử nghiệm vaccine trên người. Quan điểm của Bộ Y tế là làm thế nào người dân sớm có vaccine. Trong quý I, dự kiến có vaccine đầu tiên tiêm cho đối tượng theo báo cáo của Bộ Y tế với Chính phủ”, Bộ trưởng nói.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân mới ở 5 tỉnh, thành phố: Hải Dương (130 ca), Quảng Ninh (15 ca), Hà Nội (2 ca), Hải Phòng (1 ca), Bắc Ninh (1 ca).

Tiến độ sản xuất vaccine Covid-19 ở Việt NamPhó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho rằng với vaccine “made in Việt Nam”, chúng ta nên kỳ vọng bởi hiện tại, quá trình thử nghiệm đang diễn ra tốt, chưa có vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất vaccine.

Vaccine Covid-19 cũng như các loại vaccine khác, sau khi thử nghiệm lâm sàng sẽ cần các thủ tục để được cấp phép lưu hành. Có thể trong bối cảnh này, thủ tục cấp lưu hành cho vaccine Covid-19 sẽ nhanh hơn.

Vaccine Covid-19 o Viet Nam anh 1
Tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 đầu tiên hôm 17/12. Ảnh: Việt Linh.

Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19. Nano Covax là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y (Hà Nội), cho biết đến nay, tất cả mũi tiêm vaccine thử nghiệm của Nano Covax đều khá an toàn, đảm bảo đúng quy trình. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế tiến hành nghiệm thu và đánh giá, sau đó cho phép thử nghiệm giai đoạn 2 trên 560 tình nguyện viên tiếp theo, dự kiến bắt đầu vào tháng 2.

Ngày 21/1, vaccine thứ 2 của Việt Nam cũng bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người. Đó là vaccine COVIVAC, sản phẩm hợp tác của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.

Vaccine Covid-19 khi nào được tiêm đại trà? Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho hay Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đang lên kế hoạch triển khai, khi được duyệt sẽ công bố vào thời điểm chúng ta chính thức có vaccine Covid-19 để tiêm.

“Nguyên tắc là vaccine nội hay ngoại đều phải có kế hoạch triển khai, chứ không phải có vaccine, chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay”, ông Phu nói.

Trong đó, ông Phu cho hay trước mắt và quan trọng là phải tiêm trên đối tượng ưu tiên trước như nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, sau đó là người già, người có bệnh nền… Sau đó, mọi việc tốt mới tiêm đại trà.

Vaccine Covid-19 o Viet Nam anh 2
Bên trong nơi bào chế vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Văn Nguyện.

Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục để đảm bảo an toàn và hiệu quả, có các kế hoạch triển khai cụ thể.

Ông Phu cũng nhận định về việc người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh có cần tiêm vaccine Covid-19 hay không, hiện tại chưa trả lời được. Vì Covid-19 là bệnh mới, nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đặc biệt là vấn đề sinh và tồn tại của kháng thể, còn đang tiếp tục nghiên cứu.

Trong trường hợp Việt Nam có vaccine ngừa Covid-19 tiêm đại trà cho người dân, công tác phòng, chống dịch được nới lỏng hay không còn phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng. Chúng ta phải đảm bảo 60-70% miễn dịch cộng đồng.

“Để đạt được điều đó, chúng ta phải tiêm 60-70% dân số và vaccine có hiệu lực cao. Mà tiêm được chừng ấy số lượng là điều không dễ. Trên thế giới, chưa có quốc gia tiêm được 60-70% dân số”, ông Phu nói.

Đến nay, Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Các quốc gia đã tiêm vaccine Covid-19 cũng không dám lơ là. Họ vẫn giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch. Việt Nam cũng vậy, có vaccine thì chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay, không khác gì. Người dân không nên ỉ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm.

Ông Phu cũng đề nghị người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo để ngăn chặn xuất hiện ca mắc trong cộng đồng.

Để làm được điều đó, thời điểm này, chúng ta phải ngăn chặn cho tốt, kể cả nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp đều phải cách ly 100% đủ 14 ngày. Thứ hai là phát hiện sớm ca bệnh, cách ly nghiêm ngặt, không để sơ hở, lọt ca bệnh ra bên ngoài. Khi phát hiện thì khoanh vùng, truy vết, dập dịch.

Hà Quyên – Phương Mai

Bài mới
Đọc nhiều