+
Aa
-
like
comment

Việt Nam sẽ tăng mạnh mua điện từ Lào lên 5 lần

08/12/2019 14:08

Việt Nam đã đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt mức kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020 và sẽ tăng mua tới 5.000 MW đến 2030./

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về thúc đẩy hợp tác với Lào.

Trong 10 tháng qua, hợp tác thương mại là một điểm sáng với kim ngạch hai nước đạt 940 triệu USD, ước cả năm 2019 đạt 1,1 – 1,2 tỷ USD, tăng 12,6%, vượt mục tiêu hai Chính phủ đề ra là 1 tỷ USD và tăng 10%/năm.

Trong đó, Lào xuất khẩu gần 400 triệu USD (tăng 16%), đây là nỗ lực lớn, thể hiện sức cạnh tranh của kinh tế Lào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Viet Nam mua dien tu Lao vuot ke hoach
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Cho tới nay, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có 413 dự án với tổng vốn 4,22 tỷ USD, đứng thứ 3 với nhiều công trình tiêu biểu đang kinh doanh đạt kết quả tích cực như Liên doanh Viễn thông của Viettel, các dự án của Tập đoàn Cao su với hàng vạn ha, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Crow Plaza, Ngân hàng Lào-Việt, Nhà máy thủy điện Xekaman 1 đang hoạt động hiệu quả, bán điện về Việt Nam và nộp ngân sách Lào hàng năm…

Việt Nam đã đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt mức kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020 và sẽ tăng mua tới 5.000 MW đến 2030 tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Lào phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào (giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỷ đồng), năm tài khóa 2019 là 707 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2018 phát triển nhiều dự án hạ tầng cơ sở, nhất là các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ, an sinh xã hội…

Đầu năm 2019, Việt Nam đã viện trợ 300 tấn hạt giống lúa cho Lào để hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Việt Nam đã cấp hơn 1.000 suất học bổng cho học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào; hỗ trợ kinh phí để đào tạo dự bị tiếng Việt 4 tháng tại Lào.

Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành trực tiếp hỗ trợ đối tác Lào, ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2019, có khoảng 5 dự án viện trợ hoàn thành, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng; mở mới 2 dự án; công trình Nhà Quốc hội Lào tích cực triển khai, đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; sân bay Nong Khang đang tích cực triển khai để sớm hoàn thành.

Tuy nhiên, trong hợp tác, hai bên còn chưa phối hợp tốt đối với một số dự án, bị chậm giải ngân, vướng mắc về thủ tục, khó khăn về nguồn vốn… như Thủy điện Luang Prabang, muối mỏ kali, Thủy điện Xekaman 3, hợp tác cảng Vũng Áng…

Chuẩn bị hạ tầng nhập khẩu điện từ Lào

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực (Ban Chỉ đạo) đã có báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh tính đến hết quý III/2019, trong đó có đầu tư hạ tầng để nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu phương án mua bán điện với nước ngoài – nhất là việc nhập khẩu điện từ Lào, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã, đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai xây dựng lưới truyền tải để nhập khẩu điện từ Lào.

Cụ thể, Việt Nam sẽ mua điện từ cụm Thủy điện Nậm Sum, Thủy điện Nam Emoun, NamKong 1,2,3, cụm Thủy điện Nậm Mô và Nhà máy điện gió Monsoon của Lào trong thời gian tới.

Trước đó, tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ cụm Thủy điện Nậm Sum (tổng công suất 265MW) và phê duyệt bổ sung một số công trình lưới điện phục vụ việc nhập khẩu điện (dự kiến) vào năm 2021-2022.

Tháng 6/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Phongsubthavy của Lào đã ký Hợp đồng mua bán điện dự án Thủy điện Nậm Sum 3 (công suất 156MW) với giá bán điện về Việt Nam tuân thủ theo nội dung Văn bản số 241/TTg-QHQT ngày 23/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, EVN đã giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai thực hiện đầu tư các công trình lưới điện trên lãnh thổ Việt Nam để đáp ứng tiến độ nhập khẩu điện từ Thủy điện Nậm Sum 3 vào năm 2021-2022.

Minh Thái

(Theo Đất Việt)

Bài mới
Đọc nhiều