+
Aa
-
like
comment

Việt Nam sẽ làm gì để đối phó với sự hồi sinh của đồng tiền số?

Huy Hoàng - 12/08/2022 10:41

Mùa đông tiền điện tử đang đến gần, nhiều đồng tiền sẽ có thể sụp đổ, biến mất khỏi thị trường mãi mãi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương thức để ngành công nghiệp tiền mã hóa được định hình lại, trong đó đồng Bitcoin vẫn giữ được vị thế nổi bật nhất. Tuy nhiên, sự tồn tại của tiền số sẽ tác động xấu đối với nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề rửa tiền, do đó Việt Nam sẽ phải làm gì để đối phó với sự “hồi sinh” mới này?

Đồng tiền điện tử bitcoin.

Vì sao thị trường tiền số không bị sụp đổ?

Trước những lo ngại trên thị trường tài chính, các chuyên gia cho rằng thị trường tiền số đang đi dần đến giai đoạn ngủ đông. Nhiều đồng tiền không cần thiết cũng sẽ biến mất. Tuy nhiên, sự sụp đổ của các đồng tiền này lại sẽ châm ngòi cho sự bùng nổ của đồng tiền khác, chẳng hạn như Stablecoin (đồng tiền ổn định). Các stablecoin như Tether hoặc USD Coin do được bảo đảm bởi những tài sản thực như tiền pháp định hoặc trái phiếu, nên được cộng đồng crypto tin tưởng.

Do đó, những đồng tiền này còn có thể cạnh tranh trực tiếp với đồng USD, nó có một nền tảng đủ chắc để sống sót qua thời kỳ biến động này. Bên cạnh các stablecoin, thì đồng Bitcoin vẫn sẽ là đồng nổi bật nhất trên thị trường tiền số. Do Bitcoin là đồng được các tổ chức ngầm dùng để rửa tiền xuyên quốc gia. Họ nắm trong tay một số lượng lớn, làm chủ thị trường này nên việc thổi giá là điều thường xuyên diễn ra, cũng vì vậy mà trong ngắn hạn đồng Bitcoin rất khó bị đào thải.

Nói chung, thị trường tiền số, tiền ảo phi chính phủ vẫn sẽ tồn tại, trong các thời kỳ khó khăn, nó chỉ định hình lại chứ không hoàn toàn biến mất. Thế nhưng, sự tồn tại của nó lại không tốt cho nền kinh tế của các nước. Lý do thứ nhất là dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường phi chính phủ này để đầu cơ, nếu thua lỗ tiền của quốc gia đó sẽ chảy vào túi của nhà tạo lập phía sau. Lý do thứ hai là thị trường số không được kiểm soát bởi chính phủ, nên nó thường xuyên bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để rửa tiền. Các tội phạm trong nước thì rửa tiền tham ô. Các tội phạm nước ngoài thì rửa tiền để tài trợ cho khủng bố trong nước. Chính vì thế trong giai đoạn 2021-2025, chính phủ các nước cũng như Việt Nam sẽ đưa tiền số vào diện quan sát, nhằm phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt,…

Sẽ ngăn chặn cả hai chiều

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, Bitcoin, tiền ảo và các loại tiền giống tiền ảo không phải tiền pháp định, tiền điện tử và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. NHNN cũng khuyến cáo tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện giao dịch, nghiệp vụ liên quan đến tiền ảo do có thể phát sinh rủi ro về rửa tiền, như tài trợ khủng bố từ bên ngoài hoặc gian lận trốn thuế từ bên trong. Phải ngăn chặn sớm ở cả hai đầu. Do đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đang nghiên cứu, dự thảo sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền, từ đó sẽ sớm có quy định cụ thể cho Bitcoin, tiền ảo.

Phó thống đốc Đào Minh Tú khuyến cáo các tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về hoạt động giao dịch tiền ảo. Ảnh: Báo Chính phủ.

Có thể thấy, chúng ta lại đang bước vào một cuộc đấu tranh mới, với những hình thức tội phạm mới sinh ra từ thị trường tiền số. Chừng nào thị trường tiền số chưa được kiểm soát bởi chính phủ các nước thì chừng đó nó còn mang lại rủi ro, hệ lụy cho nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, chính phủ đã lưu tâm về vấn đề này, nên sắp tới tiền số tiền ảo nói chung sẽ được kiểm soát quyết liệt.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều