Việt Nam sắp thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người
Có 4 trên 8 lô chuột được tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty VABIOTEC sản xuất được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá có đáp ứng kháng thể, tức là có hiệu quả ngừa COVID-19.
“Chúng tôi đang ước tính tối thiểu là 4-5 tháng, tối đa là 9 tháng nữa chúng tôi có thể thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người” – ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc VABIOTEC (Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế), nói với PV.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Trong khi nhiều nhà phát triển vắcxin trên thế giới công bố cơ hội sản xuất vắcxin ngừa COVID-19, đưa vào sử dụng cho người sớm, thì có một nhà sản xuất Việt Nam cũng đang có hi vọng này.
Theo GS Đặng Đức Anh – viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, có 4 trong 8 lô chuột được tiêm ngừa vắcxin này hồi cuối tháng 4 vừa qua, đã được đánh giá là có đáp ứng kháng thể, có thể ngừa được COVID-19.
Theo ông Đức Anh, thế giới đang sử dụng 3 công nghệ sản xuất vắcxin ngừa COVID-19. Thứ nhất là công nghệ sử dụng virus bất hoạt, đây là công nghệ Trung Quốc hiện đang làm và họ đã sản xuất được vắcxin.
Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm trên người ở giai đoạn ban đầu, kết quả có đáp ứng miễn dịch tương đối tốt nhưng cơ sở vật chất để sản xuất vắcxin cũng phải đáp ứng được yêu cầu, như phòng an toàn sinh học cấp 3, nếu sản xuất đại trà thì khó đáp ứng trong giai đoạn hiện nay.
Công nghệ thứ 2 VABIOTEC đang sử dụng, là sử dụng vector virus. “Chúng ta tìm kháng nguyên của virus corona và đưa vào một virus lành tính, tiêm vào chuột, bước đầu thấy kết quả như trên. Một số quốc gia đang sử dụng công nghệ này”, ông Đức Anh giải thích.
Công nghệ thứ 3 mới hơn, công nghệ gen, Mỹ, Anh và một số quốc gia đang sản xuất vắcxin COVID-19 bằng công nghệ này. Họ cũng đã phát triển được vắcxin, tính cả khâu đánh giá trên người sẽ mất khoảng vài tháng nữa. “Còn Việt Nam, theo tôi khoảng 6-9 tháng nữa”, ông Đức Anh cho biết.
Đầu năm 2021 có thể thử nghiệm trên người
Các nhà phát triển vắcxin của VABIOTEC đã bắt tay vào nghiên cứu vắcxin COVID-19 từ tháng 2-2020, khi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân lập được virus. Nhưng việc chuẩn bị đã được bắt đầu từ trước đó, khi có 4 nhà khoa học trẻ của công ty được đi học tại Đại học Bristol, Anh, nơi hợp tác với viện trong sản xuất vắcxin, trong đó có vắcxin này.
Các khâu nghiên cứu cũng được tiến hành nhanh và đến nay đã có 2 đợt tiêm thử nghiệm trên chuột, 4 loạt chuột được tiêm được đánh giá có đáp ứng kháng thể.
Ông Đạt cho biết để vắcxin ngừa COVID-19 này trở thành sản phẩm thương mại, cần phát triển để hiệu suất sản xuất tăng lên hàng triệu liều, với chất lượng ổn định.
“Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi hi vọng tối thiểu 4-5 tháng, tối đa 9 tháng nữa chúng tôi có thể thử nghiệm trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người. Sau đó cần thêm 2-3 tháng nữa để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vắcxin ra sử dụng chính thức” – ông Đạt nói.
Nếu đạt các bước thời gian như kể trên, vắcxin ngừa COVID-19 của Việt Nam có thể xuất hiện kịp với các nhà sản xuất vắcxin lớn trên thế giới. Đây không phải là điều quá bất ngờ, vì Việt Nam đã có nền công nghiệp sản xuất vắcxin, đã sản xuất vắcxin từ những năm 1960 với 4 thế hệ các nhà khoa học trong lĩnh vực này nối tiếp đồng hành trong một lĩnh vực rất khó nhưng cũng rất vinh quang và nhiều hi vọng.
Đã có những dự đoán cho rằng có thể làn sóng COVID-19 thứ 2 sẽ xuất hiện vào mùa đông tới, nếu không kịp có vắcxin, nguy cơ dịch sẽ rất lớn, thế giới sẽ rất khó có cơ hội mở cửa lại. Vì thế, nếu vắcxin Việt Nam hoàn thành kịp tiến độ, đó cũng sẽ là một hi vọng lớn cho Việt Nam, cho chúng ta…
Đây là lần đầu tiên một vắcxin mới được phát triển trong thời gian nhanh như vậy. Thông thường trước đây để phát triển một vắcxin cần thời gian 3-5 năm, mỗi khâu kéo dài hàng năm, nhưng hiện nay công nghệ mới đã rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm, và lần đầu tiên Việt Nam cũng đã bắt kịp nhịp với các nhà sản xuất quốc tế, khi có 2 trong số 4 loạt chuột được tiêm (loạt có đáp ứng kháng thể) sử dụng chủng virus corona hoang dại phân lập tại Việt Nam (hay được gọi là chủng gốc), 2 loạt được tiêm bằng chủng vắcxin được phát triển, nhưng hiệu quả đáp ứng miễn dịch là như nhau.
LAN ANH/ TTO