+
Aa
-
like
comment

Việt Nam sẵn sàng xử lý yêu cầu liên quan Myanmar khi làm chủ tịch Hội đồng Bảo an

25/03/2021 19:04

Với tư cách là chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ từ tháng 4-2021, Việt Nam sẽ xử lý các yêu cầu nếu có liên quan đến vấn đề Myanmar – Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định chiều 25-3 tại Hà Nội.

Việt Nam sẵn sàng xử lý yêu cầu liên quan Myanmar khi làm chủ tịch Hội đồng Bảo an - Ảnh 1.
Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt thông tin về việc Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng 4-2021 – Ảnh: TTXVN

Việt Nam sẽ điều hành các hoạt động của Hội đồng Bảo an trong tháng 4, đại diện Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, báo chí, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác khác.

Nỗ lực vì Myanmar

Chương trình tháng 4 của Hội đồng Bảo an chưa có hoạt động liên quan đến Myanmar được lên kế hoạch.

“Tuy nhiên vì đây là vấn đề đã nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, không loại trừ khả năng sẽ có nước yêu cầu có cuộc họp. Với tư cách là chủ tịch Hội đồng Bảo an, chúng tôi sẽ xử lý yêu cầu đó phù hợp với thủ tục và quy định hoạt động của Hội đồng Bảo an”, ông Việt cho biết.

Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế đồng thời nhấn mạnh vai trò cầu nối của Việt Nam giữa các nỗ lực quốc tế và khu vực với mong muốn Myanmar sớm ổn định để có thể xây dựng và phát triển đất nước và tiếp tục đóng góp vào hòa bình ổn định ở khu vực cũng như tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Phản hồi lời kêu gọi nhóm họp đặc biệt về vấn đề Myanmar của một số lãnh đạo ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan ngại về tình hình bất ổn, bạo lực và thương vong đối với thường dân ở Myanmar.

“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước thành viên ASEAN khác trao đổi về các biện pháp hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, sớm ổn định tình hình đóng góp và xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Các đề xuất của các nước thành viên ASEAN sẽ được xem xét theo nguyên tắc và quy trình của ASEAN”, bà Hằng nói thêm.

Ngày 25-3, những người phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar đã kêu gọi nối lại các cuộc biểu tình trên đường phố sau một ngày đình công im lặng – đóng cửa các cơ sở kinh doanh và ở trong nhà.

Việt Nam sẵn sàng xử lý yêu cầu liên quan Myanmar khi làm chủ tịch Hội đồng Bảo an - Ảnh 2.
Cảnh sát Myanmar siết chặt an ninh tại quận Hlaingthaya, thành phố Yangon ngày 14-3 – Ảnh: AFP

3 vấn đề ưu tiên

Lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an cùng một nhiệm kỳ ủy viên không thường trực 2020 – 2021, Việt Nam dự kiến thúc đẩy ba vấn đề ưu tiên cụ thể.

Một là tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại, trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.

Hai là khắc phục hậu quả bom mìn và hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn.

Ba là bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Trong đó, phiên họp cấp bộ trưởng về khắc phục hậu quả bom mìn ngày 8-4 dự kiến sẽ có thông điệp của diễn viên lừng danh – “Điệp viên 007” Daniel Craig với tư cách đại sứ Liên Hiệp Quốc về bom mìn.

KHOA THƯ

Bài mới
Đọc nhiều