Việt Nam sẵn sàng ứng phó với mối hiểm họa mang tên coronavirus từ Trung Quốc
Chủng virus gây bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc có tên khoa học là Coronavirus (hay còn gọi là Virus Vũ Hán) chưa có thuốc đặc trị, lây lan từ người sang người đã khiến nhiều người tử vong. Hiện nay, virus này đã xuất hiện tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới nhất là Đài Loan. Vì vậy, người dân nước ta càng cần phải hiểu về virus Vũ Hán, cách phòng tránh; cơ quan chức năng, bệnh viện, trung tâm y tế phải sẵn sàng ứng phó cho tình huống xấu nhất.
Theo các nhà khoa học, loại coronavirus gây ra bệnh viêm phổi mới này có thể đã được truyền từ rắn sang người, những con rắn có thể đã nhiễm mẫu virus này từ loài dơi, được bán cùng nhau ở chợ thực phẩm Vũ Hán. Nói về chủng virus mới này, GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh: “Bản chất của con virus này vẫn là corona virus chính là chủng từng gây ra SARS (năm 2003) và MERS (2017). Trong vòng 2 m nếu người xung quanh hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, mọi người dân đều phải cảnh giác và dự phòng ngay từ đầu”.
Với mức độ nguy hiểm nói trên, sáng nay ngày 23/1 (nhằm ngày 29 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế đã kiểm tra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương về (cơ sở 2, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) về khả năng đáp ứng với dịch bệnh trong trường hợp bệnh viêm phổi cấp do virus corona xâm nhập Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng là người đứng đầu Bộ Y tế đã yêu cầu: “Cần kiểm soát chặt các cửa khẩu, đặc biệt các cửa khẩu từ Trung Quốc, sẵn sàng theo dõi, cách ly ngay tại cửa khẩu khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ. Tất cả các cơ sở điều trị thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế, có bệnh nhân cần phải cách ly, điều trị ngay. Bộ Y tế phải chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới”.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi, đường hô hấp cấp do Coronavirus gây ra, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Hai là, giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
Ba là, cần che miệng,mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Bốn là, những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do Coronavirus trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Năm là, khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống nhiều dịch nhưng ở thời điểm này, tất cả phải sẵn sàng ứng phó ở tình huống xấu nhất và luôn có biện pháp cao hơn mức bình thường.
Đặng Trường