Việt Nam sẵn sàng đối mặt với thách thức tại Hội đồng Bảo an
Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Việt Nam đã đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên của cơ quan chính trị quan trọng nhất của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh. Song với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam tự tin đảm đương, sẵn sàng đối mặt với những thách thức tại cơ quan quyền lực này.
Vinh dự và trách nhiệm nặng nề
Ngay ngày đầu tiên của năm mới và cũng là của thập kỷ mới, ngày 1-1-2020, Việt Nam đã chính thức đảm đương trách nhiệm của một Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Càng vinh dự và trách nhiệm nặng nề hơn khi ngay ngày đầu tiên làm thành viên, Việt Nam đã lập tức đảm đương trọng trách Chủ tịch luân phiên của cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh trên toàn thế giới của Liên hợp quốc này, cương vị mà các quốc gia thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chỉ đảm nhiệm không quá hai lần theo thứ tự alphabet tên tiếng Anh của mình.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc thì bắt buộc các nước hội viên của tổ chức lớn nhất hành tinh hiện gồm 193 thành viên này phải thi hành. Mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua với sự nhất trí của 5 nước thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Việt Nam đảm nhận trách nhiệm Ủy viên không thường trực và Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh tình hình quốc tế cũng như tài chính của Liên hợp quốc đang có những diễn biến phức tạp, nhạy cảm. Trong khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là nơi xem xét và đưa ra các quyết định hệ trọng về các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, xung đột… cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống – lại đan xen lợi ích, ảnh hưởng, tiếng nói của các cường quốc hàng đầu thế giới.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1-2020, Việt Nam có trách nhiệm triệu tập cuộc họp của hội đồng, chấp thuận nghị trình dự kiến của cuộc họp, chủ trì cuộc họp, đại diện cho hội đồng trước Liên hợp quốc. Cả 15 thành viên Hội đồng bảo an bất cứ lúc nào cũng có thể đưa những đề xuất, sáng kiến, nhằm tìm kiếm biện pháp hóa giải xung đột giữa các bên, ngăn ngừa, giảm bớt phức tạp, duy trì an ninh trên toàn cầu… và nước Chủ tịch phải dẫn dắt công việc của cơ quan này sao cho hài hòa và hiệu quả.
Với hàng loạt vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh, hàng loạt điểm nóng xung đột hiện nay với những lợi ích đan xen, giằng xéo giữa các quốc gia… khối lượng công việc mà Hội đồng Bảo an phải xem xét, xử lý là rất lớn và khẩn trương. Như trong tháng 11-2019, đã có trên 40 hoạt động chính thức tại Hội đồng Bảo an kèm theo những hoạt động hành lang diễn ra bất kể ngày đêm, địa điểm khác nhau, liên quan trực tiếp tới hòa bình, an ninh quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Mỗi ủy viên phải tổ chức mạng lưới chuyên viên phụ trách các lĩnh vực, địa bàn khác nhau để đảm bảo chất lượng tham gia.
Tự tin đảm nhiệm thành công trọng trách
Tuy nhiên, điều được xem là khó nhất đối với một quốc gia khi đảm đương vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an là phải dung hòa quan điểm của các quốc gia thành viên khác nhau, nhất là các thành viên có quyền phủ quyết, đồng thời đề cao vai trò kiến tạo của Hội đồng Bảo an dù có nghị quyết hay không, tránh sự phủ quyết từ 1 trong 5 ủy viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Dù trách nhiệm với mỗi ủy viên, đặc biệt là khi làm Chủ tịch Hội đồng bảo an, là rất nặng nề, song Việt Nam tự tin có thể hoàn thành tốt trọng trách này, có những đóng góp thiết thực, hiệu quả. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng chúng ta có thế mạnh là kinh nghiệm và nhất là sự ủng hộ của tất cả các bên, của cả 15 nước thành viên trong Hội đồng bảo an.
Tình hình thế giới và trong Hội đồng Bảo an có phức tạp với những giằng xéo, đan xen về lợi ích, nhưng Việt Nam có điều thuận lợi cơ bản là luôn gắn bó lợi ích quốc gia của mình trong lợi ích chung của nhân loại. Việc “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” luôn giúp chúng vượt qua thử thách và đóng góp cho đất nước và cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer, một học giả quốc tế nổi tiếng về Việt Nam, cho rằng Việt Nam có lợi thế là có quan hệ quốc tế rộng rãi tại Hội đồng Bảo an, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia lớn trên thế giới và quan hệ đối tác toàn diện với khoảng hơn 10 nước khác. Dựa trên các mối quan hệ quan trọng và tích cực này, Việt Nam có thể thúc đẩy các vấn đề mà Việt Nam ủng hộ tại Liên hợp quốc.
Một lợi thế khác là Việt Nam đã trực tiếp đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc – một sứ mạng quan trọng hàng đầu của tổ chức này như triển khai quan sát viên, Bệnh viện dã chiến cấp 2 và đang xúc tiến triển khai đội công binh tham gia gìn giữ hòa bình. Như vậy, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ cho hòa bình thế giới không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động thông qua việc tham gia vào thực thi các chính sách và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nhiều nơi trên thế giới. Giáo sư Carl Thayer nêu rõ Việt Nam có tố chất cũng như truyền thống văn hóa trong việc xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận và biết cách hợp tác hiệu quả với các đối tác.
Việt Nam tự tin đối mặt và vượt qua những thách thức như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thông điệp nhân dịp Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: “Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xứng đáng là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”.
Hoàng Hà/ ANTĐ