+
Aa
-
like
comment

Việt Nam quyết thắng đại dịch Corona

07/02/2020 13:19

Đó là câu cuối trong đoạn tin nhắn phòng dịch Corona mà Bộ Y Tế đã gửi cho toàn bộ người dân Việt Nam.

Ước tính trong những ngày qua, có khoảng 400 triệu tin nhắn đã được gửi, không kể các tin nhắn qua các ứng dụng OTT như Zalo, trong đó có một tin nhắn hướng dẫn phòng dịch, một tin nhắn hướng dẫn đeo khẩu trang, một tin nhắn cổ vũ và động viên nhân dân. Tin nhắn được soạn bằng cả nội dung có dấu và không dấu để phù hợp với cả điện thoại thông minh hay điện thoại cơ bản.

“Quyết thắng”, cũng là dòng chữ được thêu trên quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Diễn tập cách ly người nghi nhiễm bệnh ở cửa khẩu Lao Bảo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chống dịch như chống giặc”.

Không ai thờ ơ, chủ quan trước giặc, nhưng dân tộc Việt Nam, cũng chưa từng bao giờ lùi bước, sợ hãi hay thua cuộc trước giặc. Vào năm 45 của thế kỷ trước, chúng ta đã chống thành công giặc đói, giặc dốt trong tình trạng gần như không có gì cả, một chính phủ non trẻ, một đất nước vô cùng nghèo khó, ngân khố rỗng tuếch. Và rồi ở một thời khắc cách xa hồi ấy, chúng ta tiếp tục chống một loại giặc không phải ngoại xâm: giặc đại dịch.

Dĩ nhiên, nếu so sánh giặc đói, giặc đốt với giặc đại dịch thì chắc chắn là một sự khập khiễng. Nhưng ở đây, mình muốn nói đến thái độ, hành động và tâm thế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp thường trực Chính phủ chống dịch virus corona ngày 4-2

Hồi ấy, Chính phủ lâm thời non trẻ của chúng ta đã đứng trước sự tồn vong, thành quả cách mạng có thể mất trắng, các nước thực dân đế quốc quay lại nhăm nhe xâm phạm nước ta lần nữa, trong khi đó kinh tế trong nước èo uột, người dân đói khổ. Đứng trước viễn cảnh thành hoặc bại, cuộc vận động chống “giặc đói, giặc dốt” diễn ra.

Bây giờ, chúng ta vừa trải qua những năm kinh tế khởi sắc, có nhiều thành tựu rõ ràng và đang được ngợi khen, thế nước đang lên thì gặp phải một đại dịch mà quy mô của nó đang vượt qua mọi đại dịch từ đầu thế kỷ 21 đến giờ. Corona khiến chúng ta hoang mang, không hẳn chỉ vì nó mà còn những thông tin liên quan đến nó và cả những thông tin chẳng hề liên quan đến nó.

Nhưng cách đối diện với sự sợ hãi tốt nhất không phải là lẩn tránh nó.

Đêm qua, thằng em bên biên phòng nhắn tin: “Anh ạ, em đi canh biên đây, em rất hay đọc bài của anh, anh là một người có ảnh hưởng, phiền anh nói với mọi người, chúng em, những chiến sĩ, cán bộ, y bác sĩ vẫn luôn luôn cố gắng. Mọi người ở dưới đó an tâm, đừng nghe những tin đồn thất thiệt, hãy tin tưởng”.

Mình đọc xong mà rưng rưng.

Đối với những người có màu áo lính, mình có niềm tin tuyệt đối vào họ. Đối với mình, họ lạ thiệt lạ, họ như bước ra từ trong văn thơ, những màu áo xanh và mồ hôi cũng từng là ao ước một thời của mình. Như anh biên phòng mà chúng mình gặp cách đây 6 năm, thấy cái xe nào dừng cũng chạy ra hăm hở hỏi thăm, giúp đỡ – ở giữa Hòn Giao, hay như bác coi rừng ngay đèo Drann xuống đèo Ngoạn Mục – cả đời trông rừng chẳng lấy vợ.

Có lẽ lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, chúng ta thấy được hình ảnh cả nước nhất tề đồng loạt chống dịch như thế vậy. Mình cảm giác như đang có một cuộc “Tổng động viên quy mô nhỏ” vậy.

Bên trong các khu cách ly tiếp nhận người lao động Việt Nam trở về từ Trung Quốc

Mình thấy hình ảnh những dòng người xếp hàng mua khẩu trang tại các cửa hàng bình ổn giá, một số nơi khác thì tổ chức các buổi phát khẩu trang miễn phí, tờ rơi chống dịch bệnh. Tất cả mọi người đều yên lặng, trật tự, nhiều người nhìn những hình ảnh này còn ngạc nhiên: Nói đây là ở Nhật Bản chắc người ta cũng tin đấy.

Mình thấy được sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các Bộ ngành, từ lực lượng dân sự đến quân sự, từ ngành Y đến ngành Giáo dục, từ Trung Ương đến địa phương. Mình thấy hình ảnh thầy cô giáo của trường cấp 3 mình từng theo học tổ chức vệ sinh, khử trùng trường học.

Mình thấy những bệnh viện dã chiến xây dựng ở khắp nơi, những đội cơ động ngành y tế ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Những chiến sĩ biên phòng tăng cường lên vùng biên, những y bác sĩ ngày đêm chống dịch, những hình ảnh tươi cười của những người đã khỏe bệnh.

Mình nhìn được khuôn mặt thở phào nhẹ nhõm của những người dân từ vùng dịch về được cách ly tại Việt Nam, một người nói: “Thật sự mừng vì được trở về Việt Nam”. Thái độ mọi người ở trên mạng cũng rất tích cực, hoan hỉ và tin tưởng, những tin tức xấu đang được đẩy lùi, những hành động đẹp đang ngày càng được cổ vũ.

Có nhiều hơn những bài viết chia sẻ có ý nghĩa, lan truyền hơn, cộng đồng hơn.

Thực sự vui mừng khi chứng kiến những điều như vậy và còn rất nhiều điều khác mà mình chẳng thể kể hết và điểm mặt chỉ tên.

Dòng người xếp hàng mua khẩu trang tại các cửa hàng bình ổn giá

Có những điều chưa được, chưa ổn, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi thứ khác cũng chưa được, chưa ổn. Chúng ta bắt buộc phải chấp nhận những điều chưa hoàn hảo, chưa trọn vẹn, Việt Nam còn nghèo nhưng không khó, Việt Nam còn thiếu thốn nhưng vẫn sẵn sàng “chia ngọt sẻ bùi” cho nhau.

Rõ ràng phải có những thời khắc thế này, để chúng ta biết được rằng có những giờ phút gian khó mới tỏ lòng nhau.

Trong chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 6/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mình nhớ đến cách đây không lâu, vụ việc 39 người tử vong tại Anh Quốc do vượt biên trái phép, cũng chính cái Chính phủ mà nhiều nam thanh nữ tú chửi bới, đả kích, xúc phạm ấy đã đưa họ về. Lắm khi mình nghĩ, việc gì phải thế nhỉ? Tại sao các ông bên trên cứ làm những điều mà các ông không cần thiết phải làm, cứ bâng quơ đi, nhận về làm gì, rồi tụi nó vẫn chửi, vẫn hô hào, có làm thế làm nữa, tụi nó vẫn ghét. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh nói “Vì nhân đạo, Tổ quốc Việt Nam sẽ đưa họ về”.

Và hàng ngàn kiều bào ở Trung Quốc hay bất cứ đâu, luôn luôn có một nơi để về, khi mọi áp lực, chen lấn bên ngoài chợt tan vỡ.

Tổ quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Mình xin phép mượn câu viết của nhà báo Gia Hiền: “Lòng ái quốc không nằm trong những lời sáo rỗng hô hào hay điên cuồng chửi bới. Rất đơn giản, đó là khi anh đứng đối mặt với Tổ quốc mình một cách đầy trách nhiệm, và anh đặt cái tôi của mình xuống thấp hơn.”

Một lần nữa, mình muốn nhắc lại câu nói của Bộ Y Tế: “Cổ vũ những việc làm tốt, lên án hành vi tiêu cực. Việt Nam quyết thắng đại dịch”

Việt Nam quyết thắng!

Bài mới
Đọc nhiều