Việt Nam: Quốc gia chiến thắng hiếm hoi thời đại dịch
Việt Nam có thể là quốc gia chiến thắng hiếm hoi giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Đó là nhận định của trang tin Axios (Mỹ) hôm 12-6 khi nói về thành tựu chống dịch Covid-19 nổi bật của Việt Nam, nơi không có ca tử vong Covid-19 nào cho đến giờ.
Không dừng lại ở đó, Chính phủ Việt Nam còn kỳ vọng kinh tế đất nước tăng trưởng 5% trong năm nay giữa lúc kinh tế toàn cầu lao đao vì đại dịch.
Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam nhưng đưa ra mức dự báo tăng trưởng thấp hơn. Dù vậy, điều này có thể không ngăn được Việt Nam trở thành câu chuyện thành công nhất thời đại dịch.
Bài viết nhắc lại những động thái giúp Việt Nam khống chế dịch thành công kể từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên ngày 23-1. Đáng chú ý, Việt Nam đã sớm chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh, như cách ly tập trung, tăng cường theo dõi tiếp xúc, cung cấp thông tin kịp thời thông qua tin nhắn…Ông Matthew Moore, quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định đây là những bước đi không dễ làm nhưng Việt Nam đã thực hiện chúng thành công.
Theo bài viết, đại dịch đã giáng đòn lên hầu hết nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng Việt Nam không nằm trong số này. Nền kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2020, theo dự báo mới nhất của WB và IMF. Ông Jacques Morisset, chuyên gia của WB, đánh giá Việt Nam có chút may mắn khi nhu cầu đối với lúa gạo (mặt hàng xuất khẩu chính) đã gia tăng trong thời gian dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, trước khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có dự trữ dòng tiền đáng kể nhờ thực hiện chính sách quản lý tài chính thận trọng. Do đó, chính phủ có thể đối phó với dịch Covid-19 trong tâm thế sẵn sàng. Khi dịch bệnh xảy ra, Việt Nam đã hành động thông qua sự kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn.
Nhờ khống chế dịch thành công, theo trang Axios, nền kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ việc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại. Ngoài ra, nước này còn đang đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài trong bối cảnh những công ty như đại gia công nghệ Apple (Mỹ) không muốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hoàng Phương/NLD