+
Aa
-
like
comment

Việt Nam phát triển tên lửa chống tăng thế hệ mới

31/01/2020 07:00

Sau khi nâng cấp thành công 9M14 Malyutka, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất phát triển tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ mới.

Theo lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), năm 2019, ngành Quân giới Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nổi bật là Bộ Quốc phòng phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP. Tổng cục đã ban hành kế hoạch triển khai quy hoạch và đang xây dựng Đề án nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị lục quân khu vực miền Nam trình Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Đặc biệt hơn, năm 2020, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục đề xuất Bộ Quốc phòng cho thực hiện đầu tư một số dự án cấp bách như sản xuất đạn con, sản xuất thép chất lượng cao, tên lửa chống tăng thế hệ mới…

Viet Nam phat trien ten lua chong tang the he moi
Tên lửa chống tăng Skif của Ukraine, một trong những nguyên mẫu có tiềm năng để Việt Nam làm căn cứ phát triển

Cần lưu ý rằng trong năm 2017 báo Quân đội nhân dân đã thông tin về chương trình hiện đại hóa tên lửa chống tăng (ATGM) đang có trong biên chế. Cụ thể, ATGM thế hệ cũ được cải tiến theo hướng mang đầu đạn kép bao gồm: Thay đầu đạn cũ bằng đầu đạn tandem và thuốc phóng mới, giữ nguyên thân tên lửa cũng như các phần còn lại.

Sau cải tiến, tên lửa có khả năng xuyên thép đồng nhất dày 750 – 800 mm sau khi đã phá lớp giáp phản ứng nổ (ERA), sử dụng chế độ điều khiển trực tiếp bằng tay và chế độ bán tự động.

Vận tốc của tên lửa nâng cấp lên tới 135 m/s và đủ sức diệt xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ mới ở cự ly từ 500 m đến 3.000 m. Căn cứ vào các đặc tính về tầm bắn, tốc độ, chế độ điều khiển thì có thể nhận ra loại ATGM này chính là 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger).

Tuy nhiên vũ khí trên vẫn có nhược điểm là khá cồng kềnh, sử dụng cơ chế dẫn đường thủ công (MCLOS) thông qua dây dẫn, đòi hỏi trắc thủ phải liên tục điều chỉnh đường bay của quả đạn cho tới khi trúng đích, phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của con người.

Viet Nam phat trien ten lua chong tang the he moi
Tên lửa chống tăng 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger) do Việt Nam cải tiến

Trong khi đó các loại ATGM hiện nay đều có cơ chế tối thiểu là bán tự động (SACLOS) bám chùm laser, trắc thủ chỉ cần giữ chữ thập trên cơ cấu ngắm vào mục tiêu là quả đạn tự hiệu chỉnh để đánh trúng đích. Ngoài ra ATGM thế hệ 3 như Javelin còn có cơ chế tự động hoàn toàn (ACLOS), xạ thủ có thể rời đi ngay sau khi nhấn nút phóng.

Với điều kiện khoa học kỹ thuật của Việt Nam, khả năng cao sẽ là chúng ta từng bước nghiên cứu chế tạo ATGM SACLOS để thay cho MCLOS trước khi tiến lên ACLOS như các cường quốc quân sự hiện nay, mặc dù vậy đây vẫn là tín hiệu rất đáng mừng cho công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Tùng Dương/DV

Bài mới
Đọc nhiều