Việt Nam phấn đấu thu 135 tỷ USD từ khách du lịch năm 2030
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam hướng đến lọt top 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu.
Theo đó, các mục tiêu được chia nhỏ thành 2 giai đoạn. Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Việt Nam đặt mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế 12-14%/năm, khách nội địa 6-7%/năm.
Từ đó, tổng thu từ khách du lịch đạt 1,7-1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 77-80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13-14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%. Đồng thời, ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm.
Đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Khi đó, Việt Nam đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế đạt 8-10%/năm và khách nội địa 5-6%/năm.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 130-135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11-12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%.
Ngành du lịch Việt Nam tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8-9%/năm.
Để đạt được những mục tiêu này, Chiến lược đề ra các giải pháp như tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Đồng thời, Chiến lược cũng đề cao việc phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch…
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam xếp thứ 63 trong các quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến.
Trong đó, toàn ngành đón 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, lần lượt tăng trên 16% và 6% so với năm 2018. Tổng thu ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, tăng trên 16%.
Lan Anh/ZN