+
Aa
-
like
comment

Việt Nam phải tiêm chủng sớm vì có một thứ virus còn đáng sợ hơn cả SARS-CoV-2

Đặng Trường - 29/06/2021 16:10

Bà Rana Flowers, đại diện UNICEF từng nói rằng: “Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy rằng không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”. Hiểu được điều đó cũng như nhằm tránh khỏi tình trạng phong tỏa như đã từng xảy ra ở một số quốc gia, Việt Nam đã và đang tổng dồn lực tìm kiếm, đàm phán nguồn vaccine, nghiên cứu tự sản xuất vaccine, song song đó là đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho người dân. Trong lúc cả nước đang phải giải nhiều bài toán khó như vậy thì tài khoản FB mang tên Lưu Thủy Hương lại lấy chuyện các nhân viên y tế bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19 để kết luận đó là “câu chuyện kỳ dị chìm vào bóng tối”, “Tại sao lại tự ru ngủ nhau?”, “chiến dịch tiêm chủng có vấn đề”.

Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất.

Vaccine đang trở thành phương án mũi nhọn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi xuất hiện biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm rất nhanh. Người dân dẫu có tâm lý hồi hộp, lo lắng trước khi tiêm phòng nhưng hầu hết vẫn kiên định đến các cơ sở y tế. Hơn ai hết, họ hiểu và quý trọng mũi tiêm ấy biết nhường nào, đặc biệt là vẫn luôn tin tưởng quy trình tiêm chủng. Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park đã nhấn mạnh WHO đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước ta để bảo đảm rằng các quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn cầu được thực hiện. Bên cạnh những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng thì tại Việt Nam còn khám sàng lọc, tư vấn sâu trước tiêm chủng. Mỗi người dân còn được cung cấp thêm giấy thông tin, trong đó ghi rõ những khuyến nghị theo dõi và chăm sóc sau khi tiêm vaccine. Mặc dù, Chương trình TCMR quốc gia đã được thiết lập trong hơn 30 năm qua nhưng trước khi tiêm chủng cho người dân, y bác sỹ có trình độ chuyên môn đều được đi tập huấn lại một lần nữa về tiêm chủng an toàn và tất cả các quy trình. Điều này cho thấy Bộ Y tế đã có một sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người được tiêm.

Lưu Thủy Hương lợi dụng hiệu quả bảo vệ của vaccine sau khi tiêm để đánh giá “công tác tiêm chủng có vấn đề” đã cho thấy sự thiếu hiểu biết của đối tượng này. Luận điệu của Lưu Thủy Hương hoàn toàn không có cơ sở khoa học bởi Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Phạm Quang Thái đã từng nhấn mạnh rằng: “Vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc bệnh, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác”. Với các nhân viên y tế bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19, đó là một minh chứng cho hiệu quả của vaccine bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể trạng nặng, phải nhập viện. Cụ thế, 52/53 trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng, khi phát hiện dương tính cũng rất nhẹ. Tình trạng như vậy không phải chỉ thấy ở Việt Nam mà còn được phản ánh qua kết quả khảo sát ở Anh với những người sau khi tiêm Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca nếu lỡ bị nhiễm virus thì nguy cơ lây nhiễm virus của họ cho những người tiếp xúc gần giảm đi một nửa và bệnh rất nhẹ. Từ đó, chúng ta có thể hiểu được tiền đề mà các nước có tỷ lệ người tiêm vaccine  cao và hiệu quả như Israel, Mỹ đã bắt đầu mạnh dạn nới lỏng các biện pháp phòng dịch cho người dân.

Luận điệu xuyên tạc của Lưu Thủy Hương.

Nếu ai đó đòi hỏi hiệu quả bảo vệ tuyệt đối cho những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 chẳng khác nào đòi hỏi một đất nước không có bóng dáng tội phạm cả. Đó là điều tuyệt nhiên không thể nào xảy ra nên Lưu Thủy Hương không thể dùng 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để hô hoán “công tác tiêm chủng có vấn đề, là câu chuyện kỳ dị chìm trong bóng tối” được. Hơn nữa, cái sai của Lưu Thủy Hương nằm ở hành động vội vàng quy chụp, xuyên tạc, lấy một ví dụ trên phạm vi hẹp để đánh giá hiệu quả tiêm chủng cho phạm vi cả nước. Nếu là người dân hiểu chuyện sẽ thấy rõ âm mưu thâm độc phía sau màn khua môi múa mép của Lưu Thủy Hương.

Ai cũng rõ cả hệ thống chính trị, đội ngũ tuyến đầu chống dịch cũng như những người dân chân chính như đang “đứng trên đống lửa ngồi đống than” khi chứng kiến tình hình dịch bệnh không mấy khả quan ở một số tỉnh thành, sinh hoạt cũng bất tiện không kém. Hầu như tất cả đang cố gắng hơn 100% sức để cả nước mau chóng chạm đích miễn dịch cộng đồng, dịch bệnh được đẩy lùi, kinh tế khôi phục trở lại, người dân thoát khỏi trận địa u ám do Covid-19 giăng sẵn những tháng qua. Nhưng một số kẻ không biết ở đâu, đã tiêm vaccine hay chưa lại ngoi lên mạng tung tin xuyên tạc. Ngẫm lại, họ chẳng khác nào một thứ virus còn nguy hiểm hơn rất nhiều virus SARS-CoV-2, bởi thứ họ truyền nhiễm cho người dân đó là lòng nghi hoặc, trì trệ tiêm vaccine, tăng nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng, ngăn cản đất nước trở lại trạng thái bình thường. Rồi từ đó họ đứng ngoài thỏa sức “chọc gậy bánh xe”, chê trách chính quyền chống dịch thất bại, chia rẽ lòng tin của người dân. Chỉ có một cách duy nhất tiêu diệt triệt để cả virus xuyên tạc và SARS-CoV-2 đó là việc người dân tận dụng cơ hội, cầm phiếu tiêm chủng sớm, chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều