+
Aa
-
like
comment

Việt Nam ở đâu trên bản đồ Logistics toàn cầu?

Lan Hoa - 31/03/2022 13:41

Mới đây, Agility Logistics Group – một trong những nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới đã công bố bảng xếp hạng cơ hội Logistics quốc tế của 50 quốc gia. Theo đó, Việt Nam xuất sẵn đứng thứ 4 trong danh sách này và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Logistics – hiểu một cách đơn giản là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng, bao gồm cả hoạt động đóng gói, lưu trữ, kho bãi, bảo quản,… Trong những năm qua, ý thức được tầm quan trọng và hiệu quả to lớn từ dịch vụ Logistics, Việt Nam đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển dịch vụ này.

Cơ quan quản lý nhà nước đã từng bước xây dựng khung pháp lý và chính sách phát triển dịch vụ Logistics, nhiều doanh nghiệp Logistics đã được thành lập và từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ tới người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Báo cáo nêu rõ Việt Nam đã trải qua một năm 2021 với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thậm chí đã có quý GDP tăng trưởng âm. Tuy nhiên, riêng về chỉ số cơ hội Logistics quốc tế, Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm trước, đứng vị trí top 5 thế giới. Theo đánh giá, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các công ty chế tạo để đa dạng hóa thị trường sản xuất bởi những lý do sau sau:

Thứ nhất là chi phí nhân công rẻ. Theo Vietnam Briefing, trung bình chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với ở Trung Quốc và nó tiếp tục được hưởng lợi từ hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động ở Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn và tay nghề kỹ thuật.

Thứ hai là các ngành nghề như quần áo, dệt may và da giày hiện vẫn đang là thế mạnh trong thị trường xuất khẩu của Việt nam, thu hút đầu tư của hàng loạt nhãn hàng lớn như Nike, Adidas… Mới đây, hãng CNBC dẫn báo cáo tài chính của tập đoàn Nike cho biết, năm 2021, số lượng giày Việt Nam sản xuất cho Nike chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc đã rớt xuống còn 21%.

Ngay cả đối thủ của hãng là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam. Cả 2 “ ông lớn ’’ này đều đặt niềm tin và có suy nghĩ rất lạc quan về thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ ba là những tín hiệu khả quan về ngành điện tử. Trong lĩnh vực sản xuất điện tử, Foxconn đã nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên 2,2 tỷ USD vào năm 2021, đồng thời bổ sung, tạo điều kiện việc làm cho khoảng hơn 10.000 công nhân ở khắp các địa phương.

Về xếp hạng tiềm năng tăng trưởng của ngành Logistics, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trên thế giới, cho thấy sự tự tin của 1 quốc gia về những thành tựu trong xây dựng cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó là việc kiểm soát tốt đại dịch Covid19 trên diện rộng.

Trang Agility nhấn mạnh “Khi Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, đây sẽ là thị trường để tìm nguồn cung ứng và đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh hàng đầu Châu Á’’. Cùng với hoạt động sản xuất, hoạt động chuyển đổi số thời gian gần đây cũng được chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng. Chuyển đổi số ở đây bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng diện phủ sóng mạng dịch vụ viễn thông 5G, số hóa các hoạt động của chính phủ và đưa ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động sản xuất kinh tế.

Tại Việt nam, doanh thu từ hoạt động kinh doanh kỹ thuật số đang chiếm khoảng 8,2% GDP và dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% vào năm 2030. Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh các nền tảng số sẽ ngày càng trở nên phổ biến, giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.

Vậy đứng trước những cơ hội lớn này, đâu là giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam để trụ vững trong ngành Logistics mà vẫn đảm bảo góp phần cho nền kinh tế đất nước phát triển ổn định ?

Theo Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021, Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Kế hoạch đề ra 61 nhiệm vụ nhằm phát triển bền vững ngành dịch vụ Logistics với 6 mục tiêu cụ thể. Theo đó, “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% – 20%.

Bà Võ Phương Lan – Trưởng Ban Vận tải của VLA (Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam ­) nhận định, các doanh nghiệp Logistics Việt Nam cần phát triển kết cấu hạ tầng Logistics đồng bộ; phát triển các doanh nghiệp vận tải biển, vận tải hàng không mang thương hiệu Việt Nam; phát triển các doanh nghiệp Logistics mũi nhọn tích hợp 3PL – 4PL. Ngoài ra, VLA cũng sẽ tăng cường triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ở Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển

Bộ Công Thương cho rằng, để ngành Logistics vượt qua khó khăn và tận dụng được cơ hội phát triển, cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực đổi mới kết cấu hạ tầng Logistics. Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về Logistics; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua các hoạt động kết nối giao thương; đăng cai và tham dự các hội nghị, triển lãm quan trọng của ngành Logistics quốc tế.

Năm 2022 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Logistics, đòi hỏi các doanh nghiệp Logistics Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tăng cường liên kết nội khối mới có thể vượt qua được thách thức, vươn lên xứng đáng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế nước nhà.

Lan Hoa (Theo Agility Logistics Group)

Bài mới
Đọc nhiều