+
Aa
-
like
comment

Việt Nam nói về dự thảo Trung Quốc cho hải cảnh ‘dùng vũ lực’

05/11/2020 18:27

Bộ Ngoại giao cho rằng các nước cần đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân, khi bình luận về thông tin Trung Quốc ra dự thảo cho phép hải cảnh dùng vũ lực với tàu cá nước ngoài.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam

“Hội thảo ASEAN – Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác, đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân vừa diễn ra ngày 4/11. Đây cũng là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp với các nước trong khu vực và ASEAN, về tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam và các nước đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam nói trong cuộc họp báo chiều 5/11.

Tuyên bố được ông Dương Hoài Nam đưa ra khi được yêu cầu bình luận về dự thảo của quốc hội Trung Quốc, cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài.

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”, ông Nam nói thêm.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một chuyến áp sát Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: JCG.
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một chuyến áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ảnh: JCG.

Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, hôm 4/11 lần đầu tiên công bố dự thảo về trách nhiệm của hải cảnh, trong đó quy định lực lượng này có quyền dùng vũ lực xua đuổi tàu nước ngoài xâm nhập lãnh hải Trung Quốc và thẩm vấn các thuyền viên. Dự thảo cũng cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí nhằm vào các tàu không tuân thủ quy định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Trung Quốc.

Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.

Trung Quốc năm nay 21 lần điều tàu hải cảnh áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư để thách thức tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản. Tàu hải cảnh Trung Quốc từng hiện diện trong khu vực này suốt 111 ngày, đánh dấu đợt áp sát liên tục lâu nhất từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ tháng 9/2012.

Vũ Anh/VNE

Bài mới
Đọc nhiều