Việt Nam nhảy vọt 14 bậc ở lĩnh vực “chìa khóa định hình” tương lai
Theo tạp chí Forbes, tất cả các dấu hiệu hiện nay đều cho thấy vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này đang ngày một lớn mạnh và nở rộ.
Vị thế dẫn đầu của Việt Nam
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Việt Nam đang giữ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Tất cả các dấu hiệu hiện nay đều cho thấy vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này đang ngày một lớn mạnh và nở rộ.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, doanh thu của ngành Công nghệ Thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) đã tăng từ 124,678 triệu USD năm 2020 lên 136,153 triệu USD năm 2021. Việt Nam hiện có trên 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT mang thương hiệu Việt
Ước tính Việt Nam có trên 1 triệu lao động CNTT và trên 80.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng các chuyên ngành CNTT-TT. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế tại Canada và Oxford của Anh xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 62 trên thế giới khi xét tới Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của chính phủ năm 2021.
Đây là lần đầu tiên Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đạt 51,82/100, vượt mức trung bình toàn cầu là 47,72%, giúp Việt Nam tăng 14 bậc so với năm ngoái.
Tầm nhìn chiến lược
AI đang là công nghệ phát triển nhanh nhất và có tác động sâu rộng nhất hiện nay. Nó đề cập tới các hệ thống máy tính có thể thực hiện những nhiệm vụ mà cho tới gần đây vẫn cần trí thông minh của con người, ví dụ như nhận dạng giọng nói, đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề…
AI sử dụng các thuật toán, mô hình thống kê và học máy để mô phỏng nhận thức của con người. Lấy ví dụ đơn giản như trợ lý ảo Siri trên iPhone, xe hơi tự lái hoặc thuật toán AI cho phép các trang thương mại điện tử và dịch vụ phát trực tuyến như Netflix đề xuất sản phẩm/nội dung dựa trên hành vi quá khứ của người dùng.
Gần đây, ChatGPT đã tạo ra cơn sốt AI trên toàn cầu. Có thể thấy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ AI đang hiện diện trong mọi mặt đời sống hàng ngày, nắm “chìa khóa tương lai” định hình thế giới.
Mức độ sẵn sàng của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đối với công nghệ AI được đánh giá thông qua 3 trụ cột: chính phủ, công nghệ và cơ sở hạ tầng dữ liệu. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất mạnh vào AI và các công nghệ kỹ thuật số khác, như học máy (machine learning), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing).
Gần đây, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Forbes, chương trình này “đang đặt nền tảng vững chắc để Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới mạnh mẽ về AI trong những năm tới”.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, tạp chí Mỹ cho rằng, Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức nhất định trong lĩnh vực AI, ví dụ như thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cần thiết.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện chưa có đến 2.000 người Việt Nam học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới AI và chưa đến 300 người được coi là chuyên gia về AI. Tại Việt Nam cũng mới có khoảng 50 trường đại học và học viện giảng dạy các chuyên ngành liên quan tới AI.
Nhìn chung, Forbes đánh giá rằng, Việt Nam đang có những kế hoạch lớn để dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo.
“Việt Nam hy vọng sẽ nằm trong 4 quốc gia hàng đầu ở châu Á về tiến bộ trí tuệ nhân tạo và FPT Software đang thúc đẩy mạnh mẽ điều đó” – Tạp chí Mỹ viết.
Hiện tại, FPT Software đang đầu tư mạnh nhằm góp sức đưa Việt Nam lọt top 50 thế giới vào năm 2030 về nghiên cứu phát triển AI, cũng như ứng dụng phần mềm. FPT Software cũng là công ty đầu tiên ở Đông Nam Á gia nhập mạng lưới đối tác Mila – phòng thí nghiệm học thuật lớn nhất thế giới chuyên về công nghệ học sâu (Deep Learning).
Theo đánh giá của Forbes, Việt Nam có tầm nhìn chiến lược về đổi mới AI và tầm nhìn này đang mang tới những kết quả nở rộ.
Bích Ngân