+
Aa
-
like
comment

“Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ: Có chăng lại càng quá tốt!”

06/01/2021 17:04

Trước thông tin lần đầu tiên trong suốt một thập kỷ, Việt Nam nhập khẩu gạo từ đối thủ cạnh tranh Ấn Độ, dư luận trong và ngoài nước tỏ ra “khá sốc”. Tuy nhiên, đối với giới chuyên gia thì, “đây là chuyện bình thường, có chăng lại càng quá tốt”.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NNPTNT thì, bản chất của việc nhập khẩu này là sản phẩm gạo tấm chuyên phục vụ cho mục đích làm bột, bánh, bún, phở và cơm tấm hoặc làm bia, chứ không phải gạo cao cấp phục vụ trong bữa ăn hằng ngày.

Hiện nay ở trong nước nguồn cung của phân khúc này đang bị thiếu hụt, không đủ phục vụ. Có thực trạng đó là do Covid-19 đã khiến Việt Nam và nhiều quốc gia khác phải tích trữ gạo. Năm ngoái, Việt Nam đã thông báo dự trữ 270.000 tấn gạo nhằm đảm bảo nguồn lương thực trong bối cảnh Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, lý do chính là từ việc Việt Nam đã tiệm cận giá gạo xuất khẩu loại 1 nhờ các địa phương tăng cường mở rộng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao, rất phù hợp với thị trường nước ngoài, trong khi nguồn gạo tương tự như IR50404 phục vụ chế biến lại không đủ nên việc tìm nguồn gạo tương đương từ Ấn Độ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Bên cạnh đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500- 505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá gạo của Ấn Độ 381- 387 USD/tấn. Thứ nữa, do thuế nhập khẩu tấm rất thấp (trong khi thuế nhập khẩu gạo là 40%) nên các doanh nghiệp nhập khẩu tấm từ Ấn Độ về chế biến có nhiều lợi thế do giá gạo của Ấn Độ đang thấp hơn so với gạo của Việt Nam. Nếu so về bài toán kinh tế thì việc nhập khẩu hoàn toàn có thể lý giải được.

Được biết, ngành chế biến, xuất khẩu gạo mở đầu năm 2020 với rất nhiều thuận lợi. Tưởng như trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu thì xuất khẩu sẽ ngừng trệ nhưng tâm lý tích trữ của các quốc gia phòng ngừa dịch bệnh có thể kéo dài đã đẩy giá gạo Việt Nam lên mức cao kỷ lục, thậm chí có lúc vượt cả Thái Lan.

Nhờ quyết định đúng đắn và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ mà các địa phương tích cực sản xuất vụ hè thu và Bộ NNPTNT có kế hoạch tăng thêm diện tích lúa thu đông để đón “sóng” thị trường. Bên cạnh đó, gạo thơm của Việt Nam cũng chính thức được phép xuất khẩu sang EU với những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), mở ra cơ hội chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ đó, đến hết năm 2020, gạo là 1 trong 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, một con số kỷ lục.

Việc tạo kỳ tích trong việc xuất khẩu gạo cũng phải kể đến “công lao” lớn nhất từ đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng. Nhờ vậy, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440USD/tấn năm 2019 lên 496USD/tấn năm 2020.

Việt Nam đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để vào thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc… Điều này cũng khẳng định việc Việt Nam đang thay đổi cái nhìn của nhiều nước là chỉ xuất khẩu gạo chất lượng thấp. Và việc lần đầu tiên nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ là một minh chứng rõ nét cho hướng đi và triển vọng đó.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều