Việt Nam nhập gần 66.000 tấn thịt để phục vụ thị trường trong nước
Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Đức (chiếm 25,4%), Brazil (16,1%), Ba Lan (15,8%)…
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn và sản phẩm thịt lợn đạt 13.816 tấn, chiếm 21%. Ngoài ra, tổng lượng thịt nhập khẩu tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Canada (33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (16,1%), Ba Lan (15,8%), Hoa Kỳ (7,8%)…
Cũng theo cơ quan này, thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Nga, Mexico… mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3-21%.
Với các quy định hiện nay, Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước. Theo đó doanh nghiệp từ 19 nước này, khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, sẽ được xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam.
Liên quan đến công tác bình ổn thị trường, theo đại diện Bộ Công Thương, ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ làm việc với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương. Đơn vị này cũng phối hợp với Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, Cục cũng làm việc với các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn…
Đặc biệt trong những ngày cuối tuần qua, sau khi nhận được thông tin dịch bệnh COVID-19 đã quay trở lại Việt Nam, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích… trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có thịt lợn; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng trên cả nước để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có nhu cầu.
“Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng,” đại diện Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay.
Đức Duy/ Vietnam+