Vì sao Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở?
Thế giới đang bước vào thời kỳ khó khăn, do sự đứt gãy chuỗi cung ứng sau thời kỳ đại dịch, sự khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến Nga – Ukraine dẫn đến lạm phát tăng vọt ở nhiều quốc gia, kéo theo đó là thu nhập người dân giảm sút. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã đồng ý tăng mức lương cơ sở trên toàn quốc.
Theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố mới đây, người Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng vọt kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, tức là năm 2021. Mức lương của họ đã giảm mạnh nhất trong 25 năm qua. Lương giảm nhưng chi phí sinh hoạt lại tăng không ngừng do lạm phát cao (lên tới 9%) khiến cuộc sống của nhiều người lao động Mỹ bị đảo lộn, rơi vào cảnh túng thiếu. Các hộ gia đình phải xoay xở với tình trạng khó khăn về tài chính khi cố gắng chi trả cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, tiền thuê nhà và khí đốt.
Đây cũng đang là câu chuyện đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới khi mà mức lạm phát trung bình toàn cầu lên tới 7,8 %. Nền kinh tế toàn cầu còn chưa phục hồi sau đại dịch thì lại gặp phải cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc chiến Nga – Ukraine khiến giá năng lượng cùng các mặt hàng tăng cao, nhiều nền kinh tế bị trì trệ, thậm chí tăng trưởng âm. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam đang trở thành điểm sáng với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm lên tới gần 9%, lạm phát được kiềm chế chỉ hơn 2%. Mặt hàng năng lượng như xăng, dầu được Nhà nước kiểm soát rất mạnh nên giá giảm đáng kể. Ngoài ra, mới đây dưới đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã chính thức đồng ý tăng mức lương cơ sở trên toàn quốc lên thành 1,8 triệu đồng/tháng, một con số rất đáng kể.
Việc Quốc hội “mạnh dạn” quyết định tăng lương cơ bản cũng là nhờ số liệu thu ngân sách tăng vượt so với dự toán, trên nền tảng GDP tăng trưởng ấn tượng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang vận hành hết sức hiệu quả nhờ chính sách quản lý tập trung, đúng đắn. Bất chấp việc phải chi khá nhiều cho chống dịch cũng như các gói phục hồi kinh tế, dường như nước ta vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Thời kỳ khủng hoảng cho thấy những quốc gia “hào nhoáng” nhất đôi khi lại là những quốc gia dễ tổn thương nhất. Người dân ở các nước phát triển đang vật lộn với lạm phát, thiếu hụt xăng dầu và thực phẩm, những thứ mà bình thường vốn có giá rất rẻ. Họ cũng đối mặt với tình trạng thu nhập bị giảm sút, trong khi bình thường đó là những nước có thu nhập trung bình rất cao và tưởng chừng không phải nghĩ đến tiền. Trong khi đó, với việc kinh tế tăng trưởng mạnh, lạm phát thấp, ngân sách dồi dào, Việt Nam có thêm phần tự tin vượt bão.
An Diễm