+
Aa
-
like
comment

Việt Nam nghiên cứu phương án đối phó với các loại hình chiến tranh mới

20/01/2020 09:22

Việt Nam duy trì sức mạnh quốc phòng cần thiết, đồng thời nỗ lực nghiên cứu phương án đối phó với các loại hình chiến tranh mới.

Việt Nam vừa công bố Sách trắng Quốc phòng và nhận được sự quan tâm rộng rãi trong nước và quốc tế. Nhân dịp này, VnExpress phỏng vấn Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

 

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Giang Huy

– Thưa ông, vì sao Việt Nam không xác định chiến lược xây dựng quân đội “tiến thẳng lên hiện đại” mà phải “từng bước hiện đại”?

– Mục tiêu của Việt Nam là xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. “Từng bước hiện đại” là nâng cao dần chất lượng vũ khí trang bị, phương tiện hiện đại, hiện đại hoá nền khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam, chủ động hội nhập quốc tế, phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới.

Chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, cho rằng quân đội phải “tiến thẳng lên hiện đại”, bỏ “từng bước”, tuy nhiên, đây là một bài toán khó vì ngân sách cho quốc phòng chỉ là một vấn đề. Khi tiến thẳng lên hiện đại tất cả các yếu tố phải đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta phải có con người hiện đại, cách đánh hiện đại. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi tập trung xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, Cảnh sát biển để đáp ứng ngay nhiệm vụ đặt ra.

Các lực lượng khác đẩy nhanh lộ trình từng bước hiện đại. Những ngành, lĩnh vực quan trọng được lựa chọn để đầu tư phát triển nhằm tạo nên sức mạnh chiến đấu mới của quân đội.

– Hải quân là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và những năm qua đã được đầu tư tàu ngầm, máy bay. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc mua sắm này và kế hoạch trang bị cho Hải quân thời gian tới ra sao? 

– Trước khi mua sắm trang bị vũ khí, chúng tôi phải có chủ trương, xin ý kiến, bàn bạc, thống nhất mua loại gì để phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay hiện đại của Hải quân đều phát huy tác dụng. Tàu hải quân của Việt Nam đã tham gia duyệt binh, diễn tập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực khắc phục an ninh phi truyền thống như: Chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, khắc phục thảm họa…; tham gia phòng thủ dân sự.

Việt Nam cũng tham gia duyệt binh với tàu của Nga, Trung Quốc, Thái Lan, và mới đây tham gia diễn tập tàu Ngầm với Nga. 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam đã và đang góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Mỗi chuyến ra khơi, tàu ngầm không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam dưới biển mà còn trinh sát, nắm tình hình xung quanh. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân cho biết, có đi tàu ngầm mới biết trong lòng đại dương có rất nhiều tàu ngầm của các nước hoạt động. Nếu mình không có tàu ngầm thì phần dưới mặt nước không quản lý được.

Tuy nhiên, bất cứ phương tiện, khí tài hiện đại nào sau một thời gian cũng sẽ trở nên lạc hậu. Vì vậy, chúng tôi luôn nghiên cứu xây dựng kế hoạch mua sắm, trang bị vũ khí phù hợp; cùng với đó là đánh giá, rút kinh nghiệm với vũ khí hiện có. Trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam có thể chưa mua thêm tàu ngầm, nhưng tàu mặt nước thì sẽ tiếp tục được bổ sung. Hải quân Việt Nam hiện nay được đánh giá là hiện đại nhất trong khu vực ASEAN.

 

Tàu ngầm 183 – Hồ chí Minh ra khơi làm nhiệm vụ. Ảnh: Trọng Thiết

– Là người giúp Bộ trưởng Quốc phòng chỉ huy quân đội, phụ trách huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, ông nhận định thế nào về sức mạnh của quân đội hiện nay so với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo?

– Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng, phát triển để đảm bảo duy trì nền quốc phòng tự vệ, đủ sức bảo vệ Tổ quốc và giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước.

Chúng ta duy trì sức mạnh quốc phòng cần thiết, sẵn sàng đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược; đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện phương châm bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trong tình hình hiện nay, quân đội phải nỗ lực nghiên cứu phương án đối phó với các loại hình chiến tranh mới, như chiến tranh không bộ (dùng máy bay ném bom), chiến tranh vượt điểm (không đánh vào biên giới mà đánh thẳng vào mục tiêu trọng điểm), chiến tranh hạt nhân, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng… Với sự thay đổi này, việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tác chiến phòng thủ cũng phải đổi mới.

Ví dụ trước đây, chúng ta tổ chức phòng ngự một chỗ, một khu vực, nay lại phải di chuyển liên tục, tránh bị tập kích hỏa lực. Các nhà quân sự phải nghiên cứu rất nhiều để không chỉ truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh giải phóng và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn cập nhật kiến thức mới và đưa ra các phân tích, dự báo kịp thời, cần thiết.

– Gần đây một số chuyên gia quân sự quốc tế đã phân tích xu hướng mới sử dụng máy bay không người lái để tấn công mục tiêu. Nhiều nước rất quan tâm việc này. Với Việt Nam thì sao, thưa ông?

– Việt Nam cũng không đứng ngoài mối quan tâm đó. Chúng tôi đã và đang nghiên cứu, tìm giải pháp phát hiện, quản lý cũng như sản xuất các phương tiện, thiết bị không người lái. Việc quản lý các thiết bị này đã áp dụng ở nhiều mục tiêu trọng điểm. Ví dụ tại Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 năm 2019 (Vesak 2019) ở chùa Tam Chúc (Hà Nam), chỉ những phương tiện đăng ký với ban tổ chức mới được hoạt động. Một chiếc flycam không đăng ký nhưng vẫn bay đã bị bắn hạ.

Bộ Quốc phòng cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị, nhà trường nghiên cứu thiết bị không người lái phục vụ nhiệm vụ quân sự. Hiện Học viện Kỹ thuật Quân sự, tập đoàn Viettel… đã nghiên cứu thành công, chúng tôi đang cho sản xuất thử để kiểm nghiệm ở các độ cao khác nhau, trong điều kiện thời tiết khác nhau, kết hợp với radar quan sát.

– Quân đội Việt Nam đang điều chỉnh tổ chức đảm bảo tinh, gọn, mạnh. Kết quả bước đầu và các bước thực hiện tiếp theo thời gian tới như thế nào?

– Nghị quyết Trung ương yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tinh giản 10% biên chế. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Quốc phòng đã thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan từ cấp chiến lược (cơ quan Bộ Quốc phòng) đến cơ quan chiến dịch (quân khu, tương đương quân khu).

Ví dụ, trước đây quân đội cần lực lượng phục vụ nhiều vì nấu cơm bằng bếp than đốt củi, nhưng nay nấu bằng bếp điện, bếp từ; trước đây cần nhiều nhân viên đánh máy, thì nay cán bộ phải tự làm hết mọi việc; trước đây chiến sĩ phải chạy bộ, đạp xe đi đưa thư nay đã có các phương tiện thông tin mới như điện thoại, chuyển fax…

Theo lộ trình, trong năm nay, Quân đội sẽ giảm các nhà trường của các Quân khu, quân đoàn. Với các trường quân sự cấp tỉnh, chúng tôi chỉ để lại hai trường của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TP HCM. Các doanh nghiệp quân đội cũng được cổ phần hóa, thoái vốn theo đề án đã được Chính phủ thông qua.

Nhiều người lo ngại giảm quân số sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của quân đội, tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là quân đội sau sắp xếp sẽ càng tinh, gọn, mạnh. Số lượng biên chế cắt giảm nói trên sẽ được sử dụng để bổ sung cho các đơn vị trọng yếu, tăng cường cho các lực lượng trực tiếp cầm súng, tăng số người huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Đơn cử như Bộ Tư lệnh Biên phòng, sau khi giảm quân số ở Bộ tư lệnh, Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh, sẽ tăng cường lực lượng cho các đồn biên phòng, hoặc lập thêm đồn mới. Vừa qua đã lập thêm đồn biên phòng ở Trường Sa.

Hoàng Thùy/VNE

Bài mới
Đọc nhiều