Việt Nam nêu vụ Bãi Tư Chính trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc?
Một sự lên tiếng minh bạch và công khai từ phía Việt Nam cũng có thể sẽ khiến các quốc gia vốn coi trọng trật tự quốc tế dựa trên pháp luật không thể im lặng.
Bộ Ngoại giao mới đây đưa tin, tối ngày 25/9 (theo giờ Việt Nam), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lên đường “tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) tại New York, Mỹ từ 26-29/9”
Theo bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam, “phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ Khóa 74 sẽ kéo dài 1 tuần và cũng là cuộc họp có sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia nhất thế giới. Hàng loạt sự kiện bên lề liên quan đến các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của LHQ cũng như các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước cũng sẽ diễn ra trong Tuần lễ cấp cao này”
Trước đó, Văn phòng của Người phát ngôn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, theo lịch trình tạm thời, một phó thủ tướng của Việt Nam sẽ có bài phát biểu vào ngày 28/9. Như vậy có thể hiểu người sẽ phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc là Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh phía Trung Quốc đã đang có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính. Bởi vậy nhiều người quan tâm đến vấn đề Biển Đông đặt câu hỏi, liệu Việt Nam sẽ tận dụng mọi cơ hội có thể để đưa vấn đề ra Đại Hội Đồng Liên Hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế đa phương?
Giới phân tích đồng thuận cho rằng, Việt Nam nên nêu vụ “đối đầu” với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính để vận động sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn nữa. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều người lo ngại Trung Quốc có thể sẽ gia tăng sức ép lên Việt Nam sau khi kết thúc lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.
“Về lâu dài, lựa chọn duy nhất của Việt Nam nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vận động sự ủng hộ của quốc tế để Bắc Kinh cảm thấy rằng họ bị tổn hại nhiều về danh tiếng và ngoại giao” – ông Gregory Poling Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế khẳng định.
ông Poling nói thêm: “Một bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ giúp thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các nước có tiếng nói như Úc, Nhật và Anh cùng các quốc gia vốn giữ im lặng phải lên tiếng. Và nó cũng sẽ mở đường cho các nước này, đặc biệt là Mỹ, tìm cách thay mặt Việt Nam vận động thêm sự ủng hộ của quốc tế”.
Lấy ví dụ về việc hơn 50 nước chúc mừng Philippines “thắng kiện” trong vụ kiện Biển Đông khi đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, trong khi chỉ có hơn 30 nước, phần lớn là từ Trung Đông và Bắc Phi, đứng về phía Bắc Kinh phản đối phán quyết có lợi cho Manila, ông Poling nhận định: “Nếu vấn đề được nêu lên trước Liên Hợp Quốc, không còn nghi ngờ gì chuyện nhiều nước lưỡng lự vì áp lực của Trung Quốc đối với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin và một số quốc gia ở châu Á, nhưng sẽ có thêm nhiều nước công khai đứng về phía Việt Nam hơn là Trung Quốc. Và các nước ủng hộ Việt Nam sẽ có sức nặng hơn nhiều về mặt dân số, sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng”.
Một năm trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có tuyên bố tương tự ở Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế”.
Cánh Cò sẽ theo dõi diễn biến và cập nhật khi có thông tin về các hoạt động của phái đoàn Việt Nam liên quan tới vấn đề Biển Đông trong những ngày tới.
Hà Nhiên