Việt Nam náo nhiệt liên kết …

Tháng 11 này chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi của các lãnh đạo cấp cao nhà nước. Những chuyến đi đã mang về cho Việt Nam nhiều cơ hội quan trọng, giúp ổn định và nâng tầm kinh tế đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một tuần, bắt tay nồng ấm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Đức và các lãnh đạo ASEAN. Vài ngày sau Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Thủ tướng Úc, Thủ tướng New Zealand chào đón nồng nhiệt cùng các cam kết đầu tư đặc biệt về giáo dục và công nghệ. Đặc biệt liền ngay đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc cùng Tống thống Yoon Suk Yeol nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Có thể nói việc Việt Nam nâng cấp đối tác cao nhất với Hàn Quốc là một bước ngoặt lớn trong chính sách đa phương của Việt Nam.

Đầu tháng 11, phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến việc trao đổi các biện pháp tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và thương mại, đặc biệt là thương mại biên giới. Đây là chuyến thăm đánh dấu việc nối lại hợp tác toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Trong năm nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Campuchia có thể cán đích 10 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN khi đầu tư vào thị trường Campuchia gần 3 tỷ USD, và luôn là một trong những quốc gia đem lại lợi nhuận cao nhất cho ngành du lịch nước này.

Cũng trong hội nghị ASEAN diễn ra ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi gặp Tổng thống Cộng hòa Philippines Ferdinand Romualdez Marcos đã nêu khái niệm “thương mại gạo”, và đề nghị hai bên tăng cường hợp tác để khái niệm này đem lại nhiều lợi ích song phương hơn nữa. Cần biết, Philippines đang là nhà nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất, khi kim ngạch hai nước đã vượt 1 tỷ USD, và tiếp tục được tăng lên khi gạo Việt Nam đang nằm trong chương trình củng cố an ninh lương thực của nước này.

Sau đó hai tuần, nhân chuyến thăm Cộng hòa Philippines, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế – Thương mại Việt Nam – Philippines. Diễn đàn đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường Philippines cho các doanh nghiệp Việt Nam. So với 7 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương hiện tại, thì dự kiến 10 tỷ USD kim ngạch song phương năm 2026 là một con số tham vọng nhưng khả thi.

Trở lại với chuyến đi vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Úc và New Zealand, cũng sẽ thấy kinh tế, thương mại là nội dung chính trong các cuộc gặp song phương. Với Úc, Việt Nam từ một nước nhận viện trợ đã thực sự trở thành một đối tác thương mại nhiều tiềm năng. Úc là thị trường chủ lực tiếp nhận lao động nông nghiệp Việt Nam sang làm việc, nên lượng kiều hối từ đây rất lớn. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần đẩy nhanh các thủ tục visa cho lực lượng lao động này.

Quay trở lại chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hiện tại, các ông chủ các tập đoàn lớn đồng loạt xin gặp mặt để cam kết đầu tư chiến lược toàn diện vào Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã là một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Nước ta có quan hệ đầu tư với 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 135.000 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn lũy kế là 435 tỷ USD. Đây là lý do để cơ quan thương mại Liên hợp quốc xếp Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hiệu quả hàng đầu thế giới.

Những chuyến đi đến với các đối tác hàng đầu khu vực Đông Nam Á, và Châu Á – Thái Bình Dương lần này của lãnh đạo Việt Nam giúp người dân vững tin vào tiền đồ của đất nước.Truyền thống chủ động, tự lực cánh sinh, tôn trọng đối tác, hài hòa lợi ích các bên sẽ giúp Việt Nam ổn định và phát triển lên tầm cao mới.

Nội dung: Phạm Khoa

Đồ họa M.N