+
Aa
-
like
comment

Việt Nam năng động và có sự phát triển đáng kể cả về kinh tế và vai trò quốc tế

28/12/2020 16:22

Nhìn lại 25 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước tiến diệu kỳ. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bùng nổ với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 77 tỷ USD mỗi năm. Hợp tác quốc phòng, an ninh khăng khít và đa dạng hơn. Hợp tác y tế từ lâu dài giờ đây đem lại nhiều kết quả trong đại dịch Covid-19. Hợp tác giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân trở thành những lĩnh vực không thể thiếu. Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Krittenbrink trả lời phỏng vấn Dân Việt đã nhìn những kết nối sâu sắc giữa hai nước.

Chúng tôi rất coi trọng sự thành công của Việt Nam

Từ khi ông nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam năm 2017, ông nhận thấy Việt Nam đã thay đổi như thế nào về xã hội – chính trị, phát triển kinh tế và vai trò trong khu vực cũng như trên thế giới?

– Việt Nam là một quốc gia năng động với sự phát triển đáng kể cả về kinh tế và vai trò trong cộng đồng quốc tế. Trong vài năm qua, mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Việt Nam cũng chứng kiến một số mốc quan trọng. Kể từ tháng 11/2017, tôi có vinh dự được lãnh đạo Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam trải qua một quãng thời gian vô cùng bận rộn và hiệu quả với những thành tựu lớn đáng ghi nhận.

Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy quốc gia này có thể tổ chức các sự kiện có tầm quan trọng quốc tế. Cuối năm 2017, Việt Nam đã tổ chức APEC tại Đà Nẵng. Tại đây, Tổng thống Trump đã phát biểu về tầm nhìn của mình đối với mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Việt Nam chứng minh mình là một đối tác đáng tin cậy trong việc thiết lập hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2/2019 cho đàm phán giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump vẫy cờ đỏ sao vàng trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2/2019 dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ảnh: VGP

Năm nay, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn. Ngoại trưởng Pompeo ca ngợi Việt Nam vì những nỗ lực triệu tập các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác đối thoại trong thời điểm chưa từng có tiền lệ này.

“Việt Nam chứng minh mình là một đối tác đáng tin cậy trong việc thiết lập hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Đại sứ Hoa Kỳ Krittenbrink

Thông qua Bộ Ngoại giao và USAID, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) kể từ khi đại học ra mắt vào năm 2017. Với sự hỗ trợ chính thức của cả Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, FUV đã khởi công trụ sở chính của trường vào năm 2019, tổ chức lễ tốt nghiệp cho học viên khóa đầu tiên của chương trình Thạc sĩ Chính sách công, đạt được chứng nhận kiểm định của Hoa Kỳ cho chương trình Thạc sĩ này, và chào đón 113 sinh viên khóa đầu tiên tham gia chương trình đại học. FUV là trường đại học tư thục, độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam dựa trên truyền thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ về tranh luận cởi mở, nghiên cứu và phân tích phản biện, trường cấp cả bằng đại học và sau đại học.

Về quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam, chúng ta có rất nhiều điều đáng chúc mừng trong 3 năm vừa qua. Năm 2018 và 2020, Hoa Kỳ chào đón hai tàu sân bay đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Sau khi xử lý thành công đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng hồi tháng 11/2018, USAID hiện đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để làm sạch khu vực sân bay Biên Hòa, đây là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.

Vào năm 2019, USAID cũng ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng về việc cung cấp 65 triệu đô la Mỹ nhằm hỗ trợ người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới. Quan hệ hợp tác của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam trong công tác dọn sạch vật liệu chưa nổ thành công đến mức trong 3 năm qua không hề có thương vong nào liên quan đến vật liệu chưa nổ xảy ra ở tỉnh Quảng Trị, nơi được Hoa Kỳ tài trợ từ lâu cho công tác dọn sạch vật liệu chưa nổ.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác. Chiều rộng và chiều sâu của quan hệ hợp tác giữa hai đất nước tuyệt vời chúng ta thật đáng kinh ngạc. Trong nhiều lĩnh vực như thương mại, phát triển, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và an ninh, Hoa Kỳ và một Việt Nam vững mạnh và độc lập đang cùng hợp tác với cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Việc “tôn trọng thể chế chính trị” có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng quan hệ song phương?

– Tôi còn nhớ khá rõ sự hào hứng của mình trong lần đầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Phòng Bầu dục để gặp Tổng thống Obama vào tháng 7/2015. Tại thời điểm đó, tôi còn làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia và đã có vinh dự tham gia cuộc gặp mặt này cũng như tham gia xây dựng tuyên bố chung sau chuyến thăm đó. Chuyến thăm cũng đánh dấu mốc kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam.

Bầu không khí giữa lãnh đạo hai quốc gia rất ấm áp, chân thành. Cuộc gặp cũng đã đưa ra một tầm nhìn chiến lược nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giúp hai nước trở thành đối tác lâu dài.

Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào tháng 7/2015. Ảnh: FB ĐSQ Mỹ

Tổng thống Obama công nhận những khác biệt đáng kể trong thể chế chính trị của hai quốc gia. Đồng thời, ông nói rõ rằng lãnh đạo hai bên đã xây dựng mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Điều này cũng được thể hiện trong tuyên bố chung, trong đó hai quốc gia khẳng định sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Những người bạn và đối tác đích thực công nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau. Dù Việt Nam và Hoa Kỳ có thể chế chính trị khác nhau, chúng ta có chung mối quan hệ đối tác vững mạnh và lâu bền được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trong đó bao gồm tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Khi tôn trọng thể chế chính trị của nhau, chúng ta có thể hợp tác để giải quyết những thách thức như đại dịch toàn cầu và các vấn đề an ninh trong khu vực, cũng như giảm thiểu rào cản trong quan hệ thương mại song phương. Tất cả những điều này giúp tăng cường sự thịnh vượng và an ninh cho người dân của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Có ý kiến cho rằng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vững mạnh sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

– Trong tầm nhìn của Hoa Kỳ, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực tự do và rộng mở. Chúng tôi cố gắng gìn giữ hòa bình và duy trì tự do ở vùng biển chung, nhất quán với luật pháp quốc tế. Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn này với nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi tầm nhìn này thông qua 3 nỗ lực.

Trước tiên, thông qua các kênh ngoại giao, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia tìm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong khu vực để nâng cao năng lực của các quốc gia này trong những lĩnh vực như nhận thức về hàng hải. Thứ ba, quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông hàng ngày như những gì vẫn làm trong hơn một thế kỷ qua, tiến hành các cuộc tập trận tự do hàng hải và các cuộc tập trận chung với bạn bè và đối tác của chúng tôi trong khu vực.

“Chúng tôi ủng hộ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập mà chúng tôi tin rằng đây cũng là lợi ích của Hoa Kỳ, khu vực và thế giới”.

Đại sứ Krittenbrink

Chúng tôi vô cùng tin tưởng quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam và các đối tác có chung chí hướng khác sẽ góp phần tạo nên một môi trường an ninh thúc đẩy đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo sự thịnh vượng về mặt kinh tế cùng có lợi.

Đảm bảo rằng các đối tác của chúng tôi có khả năng bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình tốt hơn, cũng tăng cường khả năng chống xung đột thông qua ngăn cản các hành động gây hấn được thực hiện để đe dọa, hoặc bắt nạt.

Việt Nam là đối tác an ninh quan trọng của Hoa Kỳ và tôi biết Hoa Kỳ cũng là đối tác an ninh quan trọng của Việt Nam. Điều này chỉ đơn giản nhấn mạnh thực tế rằng lợi ích của chúng ta có nhiều điểm song trùng và tôi có thể tự tin nói rằng quan hệ đối tác song phương Hoa Kỳ – Việt Nam rất vững mạnh và có một tương lai tươi sáng. Không có gì chúng ta không thể hoàn thành khi cùng nhau hợp tác với tư cách đối tác.

Chúng tôi rất coi trọng sự thành công của Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập mà chúng tôi tin rằng đây cũng là lợi ích của Hoa Kỳ, khu vực và thế giới. Sự hợp tác của chúng tôi với Việt Nam không nhằm vào bất kỳ một hay nhiều quốc gia nào khác, mà nhằm giúp người dân Hoa Kỳ và Việt Nam tận hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng.

Những giá trị và lịch sử chung sẽ hỗ trợ quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ

Khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Ông nghĩ sao về điều này? Có thể hiểu rằng Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ các giá trị chung trong suốt 75 năm không?

– Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng người dân Việt Nam, cũng như tất cả mọi người, đều “sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Đây là những giá trị được thể hiện cả trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” lẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp cả hai câu nói này trong bản Tuyên ngôn của mình.

Tôi cho rằng đa phần mọi người đồng ý rằng bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị phổ quát được chia sẻ bởi con người thuộc các quốc gia trên khắp thế giới. Lịch sử chứng kiến nhiều câu chuyện về những người đàn ông và phụ nữ đấu tranh để bảo vệ các giá trị này cho dân tộc mình, lịch sử của Hoa Kỳ và Việt Nam cũng vậy. Tôi tin rằng những giá trị và lịch sử chung này sẽ giúp hỗ trợ mối quan hệ đối tác mà chúng ta đang có.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên nhóm Con nai của Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (OSS) tại Tân Trào tháng 8/1945. Ảnh tư liệu

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ còn ghi dấu những sự kiện thú vị khác: Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hợp tác với OSS (Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ) để chống lại Nhật Bản. Cũng trong năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Truman yêu cầu quan hệ ngoại giao nhưng không nhận được câu trả lời. Năm 1959, khi dự thảo bản Hiến pháp Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tư tưởng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” mà Tổng thống Lincoln nói đến từ 100 năm trước đây… Với nền tảng như vậy, đáng lẽ ra hai quốc gia đã có cơ hội thuận lợi hơn để phát triển mối quan hệ trong quá khứ, nhưng rõ ràng đã lại lỡ cơ hội khi chiến tranh xảy ra. Ông thấy sao về mối quan hệ này trong bối cảnh lịch sử như thế?

– Người ta thường nhìn lại lịch sử rồi đặt ra câu hỏi “sẽ ra sao nếu” và nghĩ về những kết quả đáng lẽ đã có thể xảy ra. Sự thật là Hoa Kỳ và Việt Nam không thể thay đổi lịch sử chung của hai nước. Quan trọng hơn, cả hai quốc gia đều thừa nhận quá khứ đau thương và nguyện bước tiếp với tư cách bạn bè thay vì kẻ thù.

Trong lịch sử gần đây hơn, lãnh đạo cả hai nước đã gác lại những khác biệt để bắt đầu xây dựng mối quan hệ mà ngày nay đã phát triển thành Quan hệ Đối tác toàn diện vững mạnh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Cựu chiến binh và gia đình cựu chiến binh của hai quốc gia là những người đầu tiên đối diện với quá khứ và bắt đầu xây dựng cầu nối giúp chính phủ hai bên gắn kết thành công.

Trên thực tế, nhiều năm trước khi bình thường hóa quan hệ, người dân Hoa Kỳ và Việt Nam đã bắt đầu hợp tác để giải quyết những vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh.

Chúng ta cũng đã thực hiện những bước đầu tiên nhằm xây dựng các hoạt động giao lưu nhân dân hai quốc gia thông qua việc mở Chương trình học bổng Fulbright vào năm 1992, theo sau đó là việc thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) vào năm 1994. Các chương trình này đã đào tạo hàng nghìn nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và lãnh đạo doanh nghiệp. Có thể kể ra 2 ví dụ như: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cựu sinh viên FETP và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh từng nhận học bổng Fulbright để học tập tại Hoa Kỳ.

Quan hệ Đối tác toàn diện vững mạnh mà chúng ta có ngày nay là thành quả thu được từ vô vàn hoạt động và hàng thập kỷ cống hiến hết mình của những cá nhân hai đất nước chúng ta.

Trong hồi ký năm 1995 của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara viết: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm tồi tệ. Chúng ta nợ các thế hệ tương lai lời giải thích tại sao”. Ông nghĩ sao về quan điểm này? Cá nhân ông nghĩ thế nào về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam?

– Chiến tranh ở Việt Nam là một chương bi thảm trong lịch sử hai nước. Hơn 58.000 người Mỹ cũng như hơn 3 triệu người Việt Nam, cả quân nhân và thường dân, ở hai miền Bắc và Nam đã ngã xuống. Khi chiến tranh kết thúc, tổng số người Mỹ mất tích, hoặc hy sinh khi đang làm nhiệm vụ và chưa được tìm thấy là 2.646, trong khi số người Việt Nam chưa được tìm thấy lên đến hàng trăm ngàn.

Là một phần trong nỗ lực làm lành vết thương chiến tranh, tại Hoa Kỳ, người Mỹ đã xây dựng Bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam. Nhiều người Mỹ đến thăm bức tường này để bày tỏ sự kính trọng với những đồng bào đã ngã xuống trong chiến tranh. Nhiều người dân Hoa Kỳ cũng nghĩ về “phía bên kia” bức tường và suy nghĩ về những tác động của chiến tranh đối với người Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Krittenbrink thăm Nghĩa trang Trường Sơn tháng 8/2019. Ảnh: FB ĐSQ Mỹ

Ông từng đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ông có thể nhớ lại suy nghĩ của mình khi ấy không? Với ông, chuyến thăm đó có ý nghĩa như thế nào?

– Tôi vô cùng xúc động và vinh dự khi được là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn vào tháng 8/2019. Tôi đến Quảng Trị và Trường Sơn trên tinh thần hòa giải và tôn trọng lẫn nhau.

Chuyến thăm đến Trường Sơn của tôi đánh dấu những bước tiến quan trọng mà hai bên đạt được trong việc xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Hai nước chúng ta đã hợp tác theo nhiều cách để khắc phục lịch sử đau thương. Chúng ta đang hợp tác để cải thiện đời sống của hàng triệu người khuyết tật Việt Nam, để làm sạch các khu vực ô nhiễm dioxin và vật liệu chưa nổ (UXO).

Chúng ta cũng hợp tác để định danh hài cốt của các quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm mang lại sự bình yên cho những gia đình có người mất tích do chiến tranh. Công tác khắc phục di sản chiến tranh của chúng ta không chỉ là cầu nối giúp hàn gắn vết thương chiến tranh của hai đất nước tuyệt vời mà còn là cầu nối cho quan hệ hữu nghị và hợp tác ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

– Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Krittenbrink.

Một số hình ảnh các hoạt động của Đại sứ Daniel Krittenbrink ở Việt Nam:

Đại sứ Krittenbrink thăm Văn Miếu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020. Ảnh: Phạm Hưng
Đại sứ Krittenbrink thăm Văn Miếu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020. Ảnh: Phạm Hưng
Đại sứ Krittenbrink dâng hương tại bàn thờ Chu Văn An trong Văn Miếu. Ảnh: Phạm Hưng
Đại sứ Krittenbrink tại một sự kiện thúc đẩy du học của Đại sứ quán Hoa Kỳ gần đây. Ảnh: FB ĐSQ HK
Đại sứ Krittenbrink trong chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien tới Hà Nội cuối tháng 11/2020. Ảnh: FB ĐSQ HK
Đại sứ Krittenbrink dự lễ ký một dự án hợp tác với Việt Nam. Ảnh: FB ĐSQ HK

Mỹ Hằng/DV

Từ khóa: ,
Bài mới
Đọc nhiều