Việt Nam – Mỹ và hành trình hợp tác an ninh năng lượng toàn cầu
Mới đây, trang state.gov của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng nội dung tuyên bố giữa chính phủ Mỹ và Việt Nam sau khi kết thúc Đối thoại thường niên An ninh năng lượng Mỹ – Việt Nam lần thứ tư.
Theo đó, phái đoàn của Việt Nam và Mỹ đã gặp nhau tại Washington D.C., cùng nhau thảo luận về các lĩnh vực chính để tiếp tục hợp tác năng lượng sạch và phát triển thị trường điện; tiết kiệm hiệu quả năng lượng; truyền tải; lưu trữ năng lượng; các bước cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam và Mỹ đã thảo luận về tương lai của các công nghệ năng lượng sạch tiên tiến như gió ngoài khơi, hạt nhân, hydro, xe điện và ắc quy trữ điện cũng như việc Việt Nam xem xét vai trò của khí tự nhiên hóa lỏng. Các phái đoàn hoan nghênh sự tham gia của đại diện khối tư nhân từ Hội đồng kinh tế hiệu quả năng lượng Mỹ và Sáng kiến khí nhà kính khu vực.
Chương trình Điện của Cục Tài nguyên năng lượng (ENR) nêu bật các yếu tố kỹ thuật và quy định hiện nay để hỗ trợ Quan hệ đối tác Điện lực Nhật Bản-Mỹ-Mekong. Ngoài ra, Cục Tài nguyên năng lượng (ENR) đã mời Việt Nam tham dự hai chuyến tham quan nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo tại Mỹ. Các chuyến tham quan sẽ diễn ra vào cuối năm 2022 và sẽ do Hiệp hội quốc gia về Ủy ban điều tiết tiện ích và Hiệp hội năng lượng Mỹ chủ trì với sự tham gia của các đối tác khác.
Các đại diện từ tập đoàn Dominion Energy đã chia sẻ thông tin chi tiết có giá trị với các phái đoàn về kinh nghiệm của tập đoàn trong việc phát triển gió ngoài khơi của Mỹ. Cục Tài nguyên năng lượng (ENR) cũng nêu rõ ý định của Tập đoàn AES trong việc theo đuổi phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, việc này cũng phản ánh mối quan hệ thương mại ngày càng phát triển giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt thì việc tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo là cần thiết cho phát triển bền vững. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo phương thức tự cung tự cấp, tiêu thụ tại chỗ.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng xanh, sạch, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên còn là sự chủ động định hướng dài hạn của Chính phủ.
Trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nguyên tắc: Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; Ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ này được chứng thực…
Đồng thời đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo phương thức tự cung tự cấp, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới quốc gia.
Hiện Việt Nam, đã đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 7 GW và đến năm 2045 là khoảng 65GW.
Bảo Trâm