Sigma là loại tàu chiến mặt nước do Hải quân Hà Lan thiết kế và bán rộng rãi khắp thế giới. Loại tàu chiến này được xếp vào lớp hộ vệ hạm hoặc khinh hạm tùy theo khái niệm từng quốc gia mà nó hoạt động.
Trong quá khứ Việt Nam từng ngồi vào bàn đàm phán để mua tàu chiến lớp Sigma từ phía Hà Lan. Tuy nhiên vì nhiều lý do, hợp đồng này đã không thành và chúng ta đã lựa chọn hộ vệ hạm Gepard 3.9 của Nga để thay thế. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận chiến hạm Sigma là lớp tàu chiến hiện đại, mới chỉ được đưa vào sử dụng từ năm 2007 tới nay. Hà Lan đã xuất khẩu loại tàu này cho nhiêu quốc gia trên thế giới và dù lỗi hẹn với Việt Nam, tới nay vẫn có tổng cộng 10 tàu Sigma hoạt động khắp năm châu. Ngoài ra, các đơn đặt hàng cũng dự tính tối đa trong tương lai sẽ có khoảng 18 chiếc hộ vệ hạm/khinh hạm Sigma được bàn giao. Do hoạt động tại nhiều quốc gia, Sigma sẽ được chỉnh sửa, cải biên thành nhiều phiên bản khác nhau để phù hợp với yêu cầu của từng khách hàng. Cụ thể, các tàu Sigma được chia ra làm ba lớp chính bao gồm: Khinh hạm Sigma; Hộ vệ hạm Sigma và Hộ vệ hạm Tấn công nhanh Sigma. Mỗi lớp này lại có các phiên bản khác nhau và cách đặt tên của Sigma cũng cực kỳ dễ hiểu. Ví dụ như với phiên bản Hộ vệ hạm Sigma 9113 đang được Indonesia sử dụng, con số “9113” biểu trưng cho việc phiên bản này của tàu Sigma có chiều dài 91 mét và rộng tối đa 13 mét. Phiên bản Sigma mà Việt Nam từng ngồi vào bàn đàm phán để đặt mua là khinh hạm Sigma 9814 – nghĩa là khinh hạm này có chiều dài 98 mét, lườn rộng nhất 14 mét. Thậm chí, Sigma còn có một phiên bản siêu nhỏ là Sigma 5910 – có chiều dài chỉ 59 mét và rộng nhất 10 mét, được xếp vào lớp hộ vệ hạm tấn công nhanh, đạt tốc độ tối đa lên tới 32 hải lý giờ. Hiện tại trên thế giới đang có ba quốc gia sử dụng Sigma trong biên chế lực lượng mình bao gồm Mexico, Indonesia và Moroco. Phiên bản Hộ vệ hạm Sigma 9113 Indonesia hiện đang sử dụng chỉ có sàn đáp trực thăng, không có nhà chứa máy bay. Trong khi đó các phiên bản khinh hạm của Sigma đều có nhà chứa trực thăng đặt phía khoang của tàu.
Phiên bản Sigma mà Việt Nam từng tiếp cận cũng có nhà chứa trực thăng phía sau, giãn nước tối đa 2150 tấn nhưng chưa xuất hiện thông số về động cơ, tốc độ và tầm hoạt động. Khắc Đôn/KT