30 triệu liều vaccine Covid-19 sắp về sẽ có giá ‘rất ưu đãi’
Ngày 1/2, AstraZeneca ký hợp tác cung cấp 30 triệu liều vaccine Covid-19 cho Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường hôm nay chính thức ký phê duyệt vaccine AstraZeneca/Oxford, cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC), cho biết hiện chưa rõ thời gian cụ thể vaccine phân phối về Việt Nam.
“Hiện chưa thể định mức giá cụ thể của vaccine”, ông Dũng nói, song cho biết dự kiến giá vaccine “sẽ rất ưu đãi” để nhiều người dân có thể được sử dụng. Các thông tin về kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine đang được xây dựng, theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.
Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, với phác đồ tiêm hai liều tiêu chuẩn cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca phát triển cùng đối tác Đại học Oxford và công ty sản xuất Vaccitech. Vaccine sử dụng công nghệ vector virus làm mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu, chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt nCoV. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công nCoV nếu cơ thể bị nhiễm virus.
Hãng dược AstraZeneca cho biết không có sự cố nghiêm trọng liên quan đến vaccine được ghi nhận. Hiệu quả ngăn ngừa dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.
Giá vaccine AstraZeneca/Oxford rẻ nhất trong các vaccine Covid-19 do Mỹ hoặc châu Âu phát triển, với giá 3-4 USD cho một mũi tiêm. Vaccine được bảo quản, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lưu trữ lạnh thông thường, khoảng 2-8°C trong ít nhất sáu tháng, được sử dụng dễ dàng trong điều kiện của các cơ sở y tế hiện nay.
VNVC hiện có hệ thống gần 50 trung tâm tiêm chủng, hơn 50 kho bảo quản đạt chuẩn GSP trên toàn quốc, hệ thống phân phối, đội ngũ nhân sự gần 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn vaccine và tiến hành tiêm chủng hàng triệu người, theo ông Dũng.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca kết hợp Đại học Oxford phát triển, có tên AZD1222, là một trong những ứng viên dẫn đầu cuộc đua vaccine Covid-19 toàn cầu. Ảnh: Reuters.
Tại buổi họp thường trực Chính phủ ngày 29/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất vaccine khác để có thêm vaccine.
Đối với vaccine trong nước, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và sản xuất để sớm có vaccine phục vụ người dân. Vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và sẽ tiếp tục giai đoạn hai trong tháng 2.
Vaccine Covivax của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) bắt đầu tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm giai đoạn một, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2 để tiếp tục giai đoạn hai trong tháng 3.
Tại cuộc họp Chính phủ hôm 31/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19) sớm trình phương án sản xuất và mua vaccine để quý I/2021 có. “Tinh thần là chi ngân sách Nhà nước và xã hội hóa nguồn lực”, Thủ tướng nói.
Việt Nam cấp phép lưu hành vaccine Covid-19 đầu tiên
Châu Âu khủng hoảng vì vaccine Covid-19
Kịch bản vaccine không thể đẩy lùi Covid-19
Thêm 10 người tiêm Nanocovax
Lê Phương