+
Aa
-
like
comment

Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á

Tuệ Ngô - 07/06/2023 14:09

Nhiều chuyên gia nhận định, ngay cả khi đối mặt với những bất ổn toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng ổn định, vượt trội, nhờ dân số trẻ, đa dạng, lực lượng lao động lành nghề.

Theo đánh giá từ tờ Business Times của Singapore, trong tình hình kinh tế toàn cầu đầy thách thức, các công ty tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang dần chuyển hướng tới Việt Nam và Philippines để tìm kiếm nhân tài có kỹ năng với chi phí hợp lý. Báo cáo trích dẫn cho biết, nhu cầu tuyển dụng ứng viên tại hai quốc gia này trong quý đầu năm đã tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kênh tài chính đáng tin cậy CNBC trích dẫn cuộc phỏng vấn với lãnh đạo công ty Dragon Capital, cho biết một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại Việt Nam và cho rằng sự suy giảm tăng trưởng của Việt Nam trong nửa đầu năm chỉ là tạm thời.

Giáo sư David Dapice, một chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Trung tâm Ash, Đại học Harvard, nhận định: “Tôi cho rằng tiềm năng tăng trưởng trung hạn không tồi. Luồng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Nguồn lao động dồi dào sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, trong một hoặc hai năm tới, tôi tin rằng mọi thứ sẽ có sự cải thiện đáng kể.”

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong nền kinh tế. Theo tin từ trang Bloomberg, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của Việt Nam trong năm nay có thể gặp khó khăn.

“Chúng tôi nhận thấy rằng nền kinh tế đang trở nên chậm lại do tác động từ bên ngoài khi xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Nhà máy sản xuất chip của Samsung. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, theo bà Madani, vẫn có hai yếu tố tích cực là xuất khẩu có thể giảm, nhưng nhu cầu trong nước vẫn duy trì mạnh mẽ, và doanh số bán lẻ tiếp tục ổn định. Các số liệu cho tháng 4 cho thấy tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ, đây là một kết quả khá tốt. Thứ hai, bà hy vọng rằng trong nửa cuối năm, tăng trưởng sẽ trở nên bền vững hơn khi kinh tế Mỹ và EU bắt đầu phục hồi, từ đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ phục hồi.

Không những thế, Tập đoàn DBS công bố kết quả nghiên cứu cho rằng, bất chấp những cơn gió ngược về tăng trưởng theo chu kỳ ngắn hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc càng gia tăng, càng thúc các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn đa quốc gia đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.

Trong bối cảnh đó, DBS tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia “hưởng lợi chính” từ việc tái định vị chuỗi cung ứng hoặc hợp tác sản xuất của những ông lớn thế giới.

Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế của DBS, nhận định rằng Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do mở rộng (FTAs), có vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động lành nghề cạnh tranh và hệ sinh thái điện tử đang phát triển. Đặc biệt, việc xây dựng hình ảnh Việt Nam như một “đứa con cưng” luôn được đối xử đặc biệt và thu hút đầu tư sản xuất từ nước ngoài đã đóng góp vào thành công của quốc gia Đông Nam Á này.

Nhóm phân tích của DBS chú ý rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất mới của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2023 (Quý I/2023) đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19.

Trước đó, tờ Korea Times đã đánh giá Việt Nam đang trở thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Bài báo nhấn mạnh rằng, mặc dù đối mặt với những biến động toàn cầu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế sôi động nhất ở châu Á trong những năm gần đây, thể hiện sự tăng trưởng ổn định và xuất sắc. Điều này được thực hiện nhờ dân số trẻ, đa dạng và lực lượng lao động chất lượng cao.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều