+
Aa
-
like
comment

Việt Nam mong muốn sớm nhận vaccine Covid-19

08/02/2021 22:42

Việt Nam mong muốn sớm nhận được vaccine của chương trình Covax và cam kết phân phối công bằng, miễn phí, hiệu quả cho người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm trên khi tiếp một số đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chiều 8/2.

Thủ tướng chia sẻ Việt Nam trải qua năm 2020 đầy khó khăn nhưng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nay đang nỗ lực chống Covid-19. Hiện Việt Nam cơ bản khống chế được các tâm dịch, phấn đấu để nhân dân đón Tết Nguyên đán an lành, hạnh phúc. Ông cảm ơn Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế triển khai chương trình Covax dành viện trợ vaccine cho 20% dân số Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chiều 8/2. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chiều 8/2. Ảnh: Quang Hiếu

Tại cuộc gặp, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng XIII và cơ bản kiểm soát các ổ dịch, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam vaccine không chỉ vì lý do kinh tế mà còn bảo đảm sức khỏe người dân. Vaccine phải được coi là hàng hóa công của toàn cầu, bảo đảm đến được người dân miễn phí.

Đánh giá cao Việt Nam phản ứng nhanh chóng trước đại dịch, ông Kamal Malhotra cho biết chương trình Covax đã sẵn sàng chuyển lô vaccine đầu tiên cho các nước. Liên minh Covax sẽ nỗ lực cung cấp lô vaccine đầu tiên vào cuối tháng 2. Ông mong muốn trong năm tới, Việt Nam sẽ nỗ lực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 70-80% dân số.

Hôm 29/1, Liên minh Covax thông báo trong quý I/2021 sẽ giao cho Việt Nam khoảng 25% số lượng vaccine Covid-19 trong kế hoạch, tức khoảng 4,9 đến 8,2 triệu liều. Số còn lại sẽ được chuyển vào quý II. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời gian nào vaccine sẽ về đến Việt Nam.

Covax là sáng kiến y tế công cộng do WHO, Liên minh Vaccine GAVI, Liên minh Đổi mới Ứng phó Dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thành lập nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng toàn cầu. Hôm 3/2, Liên minh Covax cho biết sẽ vận chuyển 336 triệu liều vaccine AstraZeneca-Oxford đến 145 quốc gia trong nửa đầu năm nay. Số lượng này đủ để đạt tỷ lệ tiêm phòng trung bình bao phủ 3,3% tổng dân số của 145 quốc gia thành viên.

Hôm 1/2, AstraZeneca ký hợp tác cung cấp 30 triệu liều vaccine Covid-19 cho Trung tâm Tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Thỏa thuận mới giúp bổ sung số liều tiêm để ngăn ngừa Covid-19 trong nước. Việt Nam hướng đến chủng ngừa toàn bộ gần 100 triệu dân.

Vaccine AstraZeneca/Oxford được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.

Đến nay các loại vaccine Covid-19 được phát triển dựa vào công nghệ vector bao gồm: Sputnik-V của Viện Gamaleya (Nga), Adenovirus 26 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Ad5 của CanSino (Trung Quốc).

Viết Tuân

Bài mới
Đọc nhiều