+
Aa
-
like
comment

Việt Nam mở rộng lĩnh vực tham gia gìn giữ hòa bình

13/11/2020 18:12

Ngoài các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam sẽ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở vị trí Cảnh sát, Kiểm soát quân sự, Giám sát bầu cử…

Chiều 13/11, Quốc hội thông qua nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Theo đó, Việt Nam vẫn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở hai hình thức là cá nhân và đơn vị. Tuy nhiên, lĩnh vực tham gia sẽ mở rộng thêm. Trước đây Việt Nam chỉ tham gia ở các vị trí sĩ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin, liên lạc, công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Tới đây, các lực lượng của Việt Nam sẽ tham gia làm kiểm soát quân sự, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử; hoặc các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.

Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam nói, tinh thần của nghị quyết là “không quy định cứng mà mở ra các lĩnh vực Việt Nam có thể tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong tương lai”.

“Bộ Quốc phòng có thể nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền triển khai lực lượng bộ binh, máy bay trực thăng vận tải…. khi thấy phù hợp với năng lực và có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, tướng Phụng nói.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng (trái) và Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam tại nghị trường. Ảnh: Hoàng Phong
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng (trái) và Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam tại nghị trường. Ảnh: Hoàng Phong

Nghị quyết cũng quy định, các cá nhân, đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động.

“Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình”, nghị quyết nêu. Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, đây là điểm mới được bổ sung vào dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội thông qua, dựa trên đề nghị của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 24/10.

Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có 6 chương và 18 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.

Việt Nam chính thức tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Đến nay, 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đã được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hoà bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc. 46 lượt cán bộ theo hình thức cá nhân; 126 lượt cán bộ, nhân viên theo hình thức đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và số 2).

29 lượt cá nhân được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 31%, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%). Hai lần Liên Hợp Quốc gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực chuẩn bị lực lượng để thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo.

Hoàng Thùy – Viết Tuân/VNE

Bài mới
Đọc nhiều