+
Aa
-
like
comment

Việt Nam luôn thiện chí trong thiết lập quan hệ hợp tác với các nước

Bảo An - 22/12/2020 16:17

Vừa qua, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Ngay sau đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng vấn đề này để tiến hành xuyên tạc nhằm mục đích chống phá chính quyền.

Một số đối tượng cố tình hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực

Thao túng tiền tệ (currency manipulation) là các hành động được các chính phủ thực hiện nhằm thay đổi giá trị tiền tệ của họ so với các loại tiền tệ khác để mang lại một số mục tiêu mong muốn. Nói cách khác, đây là một cách gọi của phá giá đồng tiền.

Mỹ là quốc gia thường xuyên có hành động cáo buộc chính phủ nước khác thao túng tiền tệ. Khi bị đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, chính quyền My sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt, trong đó chủ yếu là đánh thuế cao hơn, đánh thuế các sản phẩm được xác định là được trợ cấp không công bằng bởi các chính phủ nước ngoài. Theo quy tắc đề xuất, cái gọi là thuế đối kháng có thể được áp đặt khi chính phủ nước ngoài trợ cấp cho các sản phẩm của họ bằng cách làm suy yếu đồng tiền của họ so với đồng đô la Mỹ.

Nhận diện đúng bản chất vấn đề

Lợi dụng việc chính phủ Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, không ít đối tượng cơ hội đã tiến hành xuyên tạc bản chất vấn đề theo hướng tiêu cực nhằm gây ra tư tưởng hoang mang trong quần chúng nhân dân. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng việc Công an TP Hà Nội phá vụ án vận chuyển trái phép gần 30.000 tỷ đồng qua biên giới để từ đó suy diễn thông tin.

Theo luận điệu suy diễn của các đối tượng này, việc CATP Hà Nội tung ra thông tin phá vụ án vận chuyển trái phép gân 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là để chứng tỏ tiền tệ của Việt Nam cũng bị thất thoát ra nước ngoài, chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ. Thậm chí, các đối tượng còn vu khống Việt Nam là nơi “rửa tiền”.

Cần phải hiểu rõ, hai vấn đề trên là hai vấn đề hoàn toàn độc lập.

Rõ ràng, vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do cơ quan điều tra CATP Hà Nội triệt phá là vụ án lớn, diễn ra từ lâu, trong một thời gian kéo dài, với thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, CATP Hà Nội đã tiến hành xác lập chuyên án thực hiện các biện pháp điều tra. Việc phá án không phải diễn ra một sớm, một chiều mà nó là kết quả của quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, nắm bắt quy luật, hành vi phạm tội của các đối tượng. Vì vậy, luận điệu cho rằng việc đưa vụ án ra để “định hướng” dư luận và minh oan cho cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là không có căn cứ.

Đối với cáo buộc của Mỹ về việc Việt Nam thao túng tiền tệ, đây chỉ là một việc làm mang tính chủ quan, đơn phương từ phía Bộ Tài chính Mỹ, chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam. Về cơ bản, bất kỳ đối tác thương mại nào có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và cán cân vãng lai thặng dư lớn đều bị Mỹ đưa vào nhóm xem xét khả năng thao túng tiền tệ. Trong đó, 3 tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ xem xét cáo buộc đối tác thao túng tiền tệ là: Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ trên 20 tỷ USD; thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP (trước đây là 3%) và can thiệp 1 chiều (mua hoặc bán ròng) và kéo dài trên thị trường ngoại tệ trong liên tục 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng trên 2% GDP.

Không hoang mang trước những luận điệu xuyên tạc

Các đối tượng xấu đang cố tình lấy thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ để hù họa người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hết, về cáo buộc của phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông tin, nêu rõ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm mục đích hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại.

Mặt khác, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào nhóm “thao túng tiền tệ” không có nghĩa là tất cả các nước trên thế giới đều ấn định Việt Nam “thao túng tiền tệ”. Việc phía Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam, Thụy Sỹ và một số đối tác thương maiij thao túng tiền tệ chỉ là một nhận định đơn phương để phục vụ các chính sách kinh tế của phía Hoa Kỳ.

Thực tế, thời gian vừa qua, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại song phương, mang lại lợi ích chung cho cả hai phía. Việc phía Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ có khả năng sẽ ảnh hưởng đến một số hoạt động thương mại song phương. Tuy nhiên, với mục tiêu duy trì tối đa lợi ích giữa các bên, cũng như thiện chí của Việt Nam, hai phía chắc chắn sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, thiết lập và củng cố quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều