Việt Nam luôn bảo vệ quyền lợi của công dân ở nước ngoài
Ngay khi có tin công nhân Việt Nam tại một nhà máy do Trung Quốc điều hành ở Serbia bị giam giữ trái với ý muốn của họ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã trả lời báo chí khẳng định nắm rõ vụ việc. Còn Việt Tân cho đến giờ này vẫn đang nghĩ là Việt Nam “im lặng trước tình cảnh đồng bào”.
Hôm 18/11/2021, trang BBC News Tiếng Việt có bài phản ảnh “thảm trạng” của hàng trăm lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy do Trung Quốc điều hành ở Serbia. Ngay trong ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo chí khẳng định đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani kiêm nhiệm Serbia. Bà Hằng cho hay Đại sứ quán đã có thông tin từ báo chí Serbia và hiện đang nỗ lực để xác minh thông tin, bước đầu cho biết là “không có chuyện hành hung hay là đánh đập”. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục nắm thông tin, nắm tình hình, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để có thể xác minh và có các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam, bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Serbia. Như vậy không hề có chuyện Việt Nam “im lặng” như Việt Tân rêu rao.
Xuất khẩu lao động là chính sách phát triển của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đây cũng là nhu cầu chính đáng của người dân muốn có nhiều cơ hội việc làm để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Theo thống kê thì dự kiến năm 2021, tuy đại dịch Covid-19 chưa kết thúc nhưng vẫn sẽ có 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với số lượng lớn như vậy, đương nhiên cũng có thể xảy ra những rủi ro, tai nạn.
Chính vì vậy, hiện Việt Nam đã gia nhập 25 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có phòng chống phân biệt đối xử lao động trẻ em và lao động cưỡng bức; là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động. Đồng thời, các cơ quan cũng giữ liên lạc với cộng đồng người Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, lao động ở nước ngoài, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân, đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết.
Người Việt Nam xưa nay luôn có tinh thần đoàn kết dân tộc, mọi người Việt dù xa quê vẫn luôn là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đã rất nhiều lần Việt Nam có các chiến dịch bảo hộ, giải cứu công dân quy mô lớn tại các nước có bất ổn về chiến tranh hoặc dịch bệnh. Đơn cử như tháng 2/2011, khi nội chiến nổ ra ở Libya, chỉ trong vòng một tuần hơn 10.000 lao động đã được sơ tán khỏi nước này. Ở thời điểm đó, ông Chris Topher Hopman, chuyên gia ứng phó khẩn cấp và hậu khủng hoảng của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết ông rất xúc động khi chứng kiến cảnh hàng đoàn người Việt Nam tìm cách vượt qua biên giới Libya để tìm chỗ trọ và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa những người này thoát khỏi vùng đất chết. “Việt Nam là một trong những nước sớm đưa công dân ra khỏi Libya”.
Khi chiến tranh vùng vịnh năm 1990-1991 nổ ra tại Iraq, thông tin còn hạn chế, đất nước còn khó khăn nhưng một chiến dịch sơ tán cũng đã được Chính phủ triển khai thành công cho hơn 17.000 lao động Việt Nam tại Iraq về nước. Và mới đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ riêng trong năm 2020 chúng ta đã tổ chức hàng trăm chuyến bay đi thẳng vào tâm dịch để đón hàng chục nghìn công dân về nước an toàn.
Việc các tổ chức như Việt Tân bất chấp sự thật vẫn đưa tin xuyên tạc về vụ việc để kích động gây chia rẽ, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế là không thể chấp nhận. Trước hết vì nó là tin giả, thứ ngày càng bị cộng đồng quốc tế lên án, tẩy chay. Thứ hai, nếu những người Việt Nam xa quê thiếu hiểu biết mà tin tưởng vào nguồn tin giả này thì họ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến chính cuộc sống, sinh kế và sự an toàn của họ.
An Diễm