Việt Nam lên tiếng về việc triển khai hộ chiếu vắc xin cho khách du lịch
Việt Nam xem hộ chiếu vắc xin là biện pháp để mở cửa kinh tế và du lịch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 7-10.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam liệu có kế hoạch tiếp nhận khách du lịch sau hơn 1,5 năm phong tỏa để chống dịch Covid-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Chính phủ Việt Nam chuyển chủ trương từ “Zero Covid” sang thích ứng linh hoạt, chung sống lâu dài với đại dịch Covid-19. Chiến lược hộ chiếu vắc xin, sức khỏe số là biện pháp khả thi mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là liên quan tới dịch vụ và du lịch.
“Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận hộ chiếu vắc xin mà Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là các loại vắc xin được WHO, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt trong điều kiện khẩn cấp. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL nghiên cứu xây dựng thí điểm đón khách du lịch đã tiêm vắc xin tới Việt Nam, trước mắt thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới”, bà Hằng khẳng định và cho biết Bộ Ngoại giao sẽ sớm có thông tin và hướng dẫn cụ thể về việc này.
Trước đó, ngày 26.9,Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “hộ chiếu vắc xin”. Theo đó, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin”.
Tiếp cận nhập khẩu, hợp tác sản xuất thuốc điều trị Covid-19
Trả lời của phóng viên về việc nhiều nước châu Á đang chạy đua đặt mua thuốc Molnupiravir trị Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng chưa đáp ứng kịp và kế hoạch tìm kiếm nguồn cung thuốc Molnupiravir của Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc tiếp cận, nhập khẩu và hợp tác sản xuất thuốc điều trị Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
“Bộ Ngoại giao đã sớm chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu về tình hình phát triển các loại thuốc điều trị, đồng thời hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tiếp cận một số loại thuốc điều trị để xem xét, nghiên cứu và thử nghiệm sử dụng tại Việt Nam.” Bà Hằng khẳng định.
Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức cùng phối hợp nghiên cứu phát triển, là thuốc uống và được phát triển để điều trị cúm. Merck & Co ngày 1.10 đã thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân, theo đó, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện và tử vong.
Thông tin từ cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế cũng khẳng định các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt, làm sạch virus ở bệnh nhân nhẹ và vừa sau năm ngày điều trị, đồng thời giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tử vong.
Hồng Anh