Việt Nam là tấm gương can đảm và kiên quyết đối với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á
Tình hình chính trị quốc tế, kinh tế, văn hóa và số phận người dân là chủ đề chính của các bài viết về Việt Nam trên các ấn phẩm nước ngoài và Nga, mà chúng tôi phản ánh trong bài tổng quan truyền thống của chúng tôi “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông
Chủ đề cuộc đối đầu Việt Nam-Trung Quốc trên Biển Đông không biến mất khỏi các trang báo chí thế giới. CNN đã dành riêng một bài minh họa lớn về lịch sử quần đảo Hoàng Sa. Bài báo nói về Bảo tàng Quần đảo Hoàng Sa ở Đà Nẵng và các hiện vật triển lãm, trong đó có tấm bản đồ năm 1686, nơi các đảo được chỉ định là tài sản của nhà Nguyễn. Đây là bằng chứng sớm nhất về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ấn bản Express của Anh viết về việc nhà lãnh đạo Malaysia ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Hành động đơn phương của Trung Quốc trong những tuần qua ở Biển Đông đã dẫn đến căng thẳng gia tăng và làm xấu đi các điều kiện an ninh trên biển, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực” – tuyên bố chung sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nêu rõ.
Còn ấn phẩm của Úc The Strategist thì lưu ý rằng, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kiềm chế việc trực tiếp lên án Trung Quốc và thận trọng tránh né vấn đề này.
Còn nhà báo của tờ Daily Inquirer có trụ sở tại Philippines, trên các trang của The Straits Times thì đã bày tỏ thái độ một cách dứt khoát. Ông ngưỡng mộ quyết tâm của Việt Nam và cho rằng Philippines phải lấy đó làm gương để noi theo. Mặc dù Philippines có lợi thế hơn Việt Nam do có phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, nhưng chính Việt Nam đã thể hiện sự can đảm và quyết tâm hơn trong việc phản đối ý định bá quyền của Trung Quốc trong Biển Đông. Philippines có thể rút ra bài học từ Việt Nam. Không cần sử dụng vũ lực, các tàu của Việt Nam chỉ đơn giản bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam đã đuổi tàu nghiên cứu của Trung Quốc, trong khi đó ông Duterte lại làm cho modus vivendi được thông qua trong vùng biển tranh chấp, cho phép tất cả những người đăng ký có thể đánh bắt cá trong khi chờ giải quyết các yêu sách mâu thuẫn . Nhưng Việt Nam thì khác. Bất chấp thực tế là một quốc gia nhỏ, nhưng Việt Nam đã nhiều lần đứng lên chống lại người hàng xóm khổng lồ của mình, tác giả bài báo viết.
Khó khăn của người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại
SavingWeb nói về việc EU viện trợ cho nạn nhân lũ lụt ở Việt Nam. TechCrunch thông báo rằng công ty Grab hứa sẽ đầu tư 500 triệu đô la vào việc phát triển tại Việt Nam. Đây là ứng dụng siêu tốc độ phổ biến tại khu vực Đông Nam Á, nơi có thể đặt xe, mua thực phẩm từ nhà hàng, thanh toán, nhận sản phẩm bảo hiểm, cho vay và nhiều hơn nữa. The Verge dẫn nguồn Nikkei rằng Google đang làm việc để chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam, dự định tái thiết nhà máy của Nokia trước đây để sản xuất điện thoại của mình. Tờ Vesti Ekonomika kể với độc giả Nga về thắng lợi của Việt Nam do kết quả tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Và ấn phẩm The Load Star cho biết là vận hàng hóa đường không và đường biển Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam không đáp ứng kịp. Người đứng đầu một trong những công ty hậu cần của Mỹ nhấn mạnh rằng «Việt Nam đang phải đảm nhận nhiều hơn những gì nước này có thể đảm nhiệm. Họ không có kỹ năng, lao động, năng lực sản xuất và họ chưa có cơ sở hạ tầng giao thông”. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần 25 tỷ đô la đầu tư mỗi năm để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, nhưng chính phủ chưa có lượng tiền như vậy. Tờ “Tin tức hàng ngày của Vladivostok” kể về triển vọng phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tờ “Các nhà xuất khẩu Nga” thông báo bắt đầu xuất khẩu nước ép và nước trái cây Smolensk tới 64 tỉnh thành của Việt Nam.
Văn hóa và cuộc sống
CNN đã giới thiệu một video về nghệ thuật xiếc tre độc đáo của Việt Nam.
Và chúng tôi kết thúc bài đánh giá của mình bằng một câu chuyện đã thu hút sự chú ý của một số ấn phẩm nước ngoài và Nga. Đây là câu chuyện buồn về một chàng trai trẻ có cô dâu đã chết một tháng trước đám cưới. Trong đám tang của cô, anh mang đến một bó hoa cưới, đeo nhẫn và hát bài hát đám cưới tặng cô.
Vnputniknews