Việt Nam là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng
Theo Thời báo tài chính Financial Times, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng diễn ra nhanh chóng đã giúp Việt Nam đón nhận được làn sóng đầu tư dịch chuyển mạnh mẽ từ Trung Quốc, từ đó trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên thực tế, sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 trong hơn ba năm qua đã tạo nên những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi những ảnh hưởng do sự co lại của thương mại toàn cầu xuất hiện, các công ty đa quốc gia phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung vật liệu và sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp, người dân và cả các cơ quan chính phủ đều gặp khó khăn trong việc mua sắm hàng hóa và sản phẩm cơ bản. Từ thực tế cấp bách là cần giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp đã hướng đến xu hướng đa dạng hóa nguồn cung thay vì phụ thuộc vào một nguồn như trước. Vậy nên, sự chuyển dịch này được nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn cho những trung tâm sản xuất tiềm năng như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
Không nằm ngoài những tác động tiêu cực, chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng vì bị gián đoạn. Tuy nhiên không vì những lý do đó mà vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung toàn cầu bị suy giảm. Bởi trước đại dịch, Việt Nam đã là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, chip điện tử và ôtô. Trong và sau đại dịch, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất ngày càng quan trọng hơn. Trải qua nhiều khó khăn, các nhà đầu tư vẫn dành sự tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam và tiếp tục lựa chọn là thị trường đầu tư lâu dài để mở rộng sản xuất. Trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến – chế tạo ngày càng gia tăng, mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bằng chứng cụ thể chính là làn sóng đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đến từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng rõ nét, đưa Việt Nam dần trở thành địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dấu ấn đầu tiên là đầu tư của Samsung (Hàn Quốc) với 4 cơ sở sản xuất, đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của Tập đoàn. Đặc biệt vào cuối năm 2022, Samsung đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội với tham vọng phát triển thành cứ điểm chiến lược của hãng về nghiên cứu và phát triển quy mô lớn.
Dấu ấn tiếp theo phải kể đến là hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ như Apple, Intel, Ford, General Electric, Nike, Adidas… đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Điểm đặc biệt, hiện không chỉ là nhà cung cấp chính trong lĩnh vực dệt may, giày dép cho thị trường hàng đầu thế giới, xu hướng đa dạng hóa nguồn sản xuất đã đưa Việt Nam trở thành địa điểm thay thế tiềm năng. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như Google, Microsoft hay Apple cũng đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Trong một báo cáo, Tập đoàn Tài chính Australia & New Zealand Banking Group đã nhận định: “Đại dịch không làm thay đổi sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất mà còn giúp Việt Nam có nhiều không gian linh hoạt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, đến nay Việt Nam dần trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ, các mặt hàng điện tử và linh kiện điện thoại di động…”
Mới đây nhất, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản cũng đánh giá: “Việt Nam đã đạt được vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu, là nền kinh tế duy nhất với quy mô và mức độ phát triển lọt vào tốp 6 trong danh sách nhà cung cấp đáng thèm muốn của Apple. Thành công của Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng rất nổi bật. Đặc biệt, quốc gia này đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ mà không đối thủ đáng kể nào ở châu Á sánh kịp”.
Rõ ràng, Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu và có khả năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại về thách thức của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư FDI khi không chỉ cạnh tranh với các nước thu hút đầu tư khác mà còn cạnh tranh với cả các nước lâu nay đang “xuất khẩu vốn đầu tư” và nhất là trong bối cảnh các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam dưới sự tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Trên thực tế, việc thu hút được các tập đoàn lớn tới đầu tư đã là một thành công, nhưng để giữ chân “đại bàng” ở lại cũng là một áp lực rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải có những những giải pháp mang tính đột phá giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, từ đó mới có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; đón nhận đơn hàng từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như dòng dịch chuyển đầu tư từ các chuỗi cung ứng toàn cầu về Việt Nam.
Lan Hoa