+
Aa
-
like
comment

Hải quân Việt Nam sắp có chiến hạm lớn và hiện đại

18/10/2021 01:41

Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật – Quân sự Liên bang Nga (FSMTC), ông Dmitry Shugaev cho biết Việt Nam đang quan tâm đến việc mua thêm cặp tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Gepard 3.9 thứ ba, bổ sung cho hai cặp tàu đã phục vụ trong biên chế.

Việc sở hữu đội tàu cơ động tầm xa với 6 tàu Gepard 3.9 thay vì chỉ có 4 chiếc sẽ mang lại cho Hải quân Việt Nam nhiều lợi thế trên biển.

Ông nói: “Đối tác Việt Nam vẫn đang quan tâm tới tàu hộ vệ Gepard 3.9. Hiện tại, các chuyên gia của chúng tôi và chuyên gia của khách hàng đang tiếp tục tham vấn kỹ thuật liên quan. Các cuộc đàm phán hợp đồng chủ đề dự kiến ​​sẽ được tổ chức sau khi thống nhất các điều kiện kỹ thuật”.

Như vậy, theo thông tin từ phía ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga, Việt Nam mới đang ở giai đoạn tham vấn kỹ thuật. Đây là giai đoạn tiền hợp đồng.

Hiểu một cách đơn giản: Các sĩ quan hải quân Việt Nam sẽ ngồi lại với các nhà đóng tàu Nga để thống nhất với nhau về cấu hình vũ khí, tính năng, v.v… của cặp tàu Gepard thứ ba. Trên cơ sở đó, các bên mới ước tính khối lượng công việc, tiến độ đóng tàu, thời gian bàn giao, giá trị hợp đồng, v.v…

Có thể nói, vào thời điểm này, Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn đứng trước hai câu hỏi. Thứ nhất là có tiếp tục đóng mới cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba không? Thứ hai là nếu đóng mới thì cấu hình của cặp tàu thứ ba sẽ như thế nào?

4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard hiện có của Hải quân Việt Nam.

VIỆT NAM LÀ “KHÁCH HÀNG VIP” CỦA VŨ KHÍ NGA

Trước khi nói về cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba, cần nhìn lại lịch sử của lớp tàu này:

Về cơ bản, thiết kế tàu hộ vệ tên lửa Đề án 11661E lớp Gepard 3.9 là một phiên bản hiện đại hóa phục vụ xuất khẩu của Đề án 11661, được Viện thiết kế đề án Zelenodolsk (Liên Xô cũ) triển khai để phục vụ các nước thế giới thứ ba.

Ban đầu, khách hàng được nhắm đến là Ấn Độ, nhưng sau đó nước này đã rút lui vào đầu thập niên 1990, bỏ lại hai thân tàu đóng dở, người Nga đã phải điều chỉnh lại thiết kế Đề án 11661 thành Đề án 11661K, với chữ K mang hàm ý là để trang bị cho Chi hạm đội biển Caspi.

Hiện nay trong biên chế Chi hạm đội Caspi của Nga có hai tàu lớp Gepard mang số hiệu 691 Tatarstan, và chiếc 693 Dagestan. Trong đó, tàu 691 Tatarsan chính là kỳ hạm của Chi hạm đội Caspi.

Khách hàng xuất khẩu đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của lớp Gepard 3.9 là Việt Nam. Năm 2006, Việt Nam kí hợp đồng đóng cặp tàu đầu tiên.

Hai chiếc tàu này được khởi đóng năm 2007, hạ thủy và gia nhập biên chế năm 2011, lần lượt mang số hiệu 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ.

Cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam không có trang bị chống ngầm, mà chỉ có sân đỗ cho trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28. Lượng giãn nước đầy tải của tàu là 2.100 tấn, trang bị 2 bệ phóng với 8 đạn tên lửa Kh-35 Uran-E tầm bắn 130km.

Pháo chính của tàu là pháo đa năng AK-176 cỡ nòng 76,2mm, trang bị tiêu chuẩn trên các tàu chiến đấu mặt nước giãn nước từ 2.000 tấn trở xuống của Nga/Liên Xô.

Phòng không của tàu giới hạn ở mức tầm ngắn, bao gồm tổ hợp vũ khí phòng không tầm cực gần (CIWS) Palma-SU với 8 tên lửa đối không Sosna-R dẫn bắn bằng tia laser và 2 pháo cao tốc AO-18KD. Phía đuôi tàu có hai pháo cao tốc AK-630M. Ngoài ra, tàu còn có trang bị 2 trọng liên KPV cỡ nòng 14,5mm.

Sau khi tiếp nhận cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên, Việt Nam đã kí tiếp hợp đồng đóng cặp thứ hai vào năm 2012. Hai tàu đã được nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đặt ky vào năm 2013, hạ thủy năm 2016, và gia nhập biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 06/02/2018, lần lượt mang số hiệu 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung.

Điểm đặc biệt của cặp tàu thứ hai, chính là việc chúng được trang bị hai cặp ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, và các khí tài định vị thủy âm (sonar) để săn ngầm.

Trong quá trình vận hành các tàu lớp Gepard 3.9, Việt Nam cũng đã lắp đặt thêm một hangar cho các trực thăng săn ngầm đi theo tàu, nhằm thích ứng với đòi hỏi của thực tiễn. Ngoài ra, pháo chính của cặp tàu này cũng là loại AK-176MA hiện đại hơn.

Có thể nói, tính tới thời điểm hiện tại, Hải quân Việt Nam là “khách hàng VIP” của lớp tàu Gepard.

Ở bình diện rộng hơn Việt Nam cũng là “khách hàng VIP” của vũ khí Nga. Cụ thể, Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga (ЦАМТО) tính toán kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Moscow giai đoạn 2017-2020, Việt Nam có tên trong Top quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất.

Báo cáo thường niên của ЦАМТО dự báo về kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga.

ĐÓNG THÊM TÀU GEPARD: “THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA”

Kể từ năm 2018 đến nay, đã ba năm trôi qua nhưng Việt Nam vẫn đang cân nhắc kí kết thêm hợp đồng đóng tàu Gepard 3.9 thứ ba điều này cho thấy sự thận trọng, tính toán kỹ càng trước khi ra quyết định cuối cùng.

Hải quân Việt Nam đã lựa chọn lớp Gepard 3.9 vì lớp tàu này đã được kiểm chứng trong thực tế vận hành ở nước Nga. Nếu bây giờ Việt Nam đóng cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba với cấu hình vũ khí mới thì đảm bảo “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cụ thể:

Trước hết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ quân đội đều đã xác định phải đưa Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030 trở thành quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam là quân chủng tiến thẳng lên hiện đại. Đặt trong bối cảnh đó, đội tàu mặt nước của Hải quân rất cần được gia tăng sức mạnh, nhất là các tàu chiến đấu cỡ lớn, có khả năng hoạt động tầm xa.

Do đó, việc mua thêm cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba là cần thiết và nên triển khai sớm vì thực tiễn đóng hai cặp tàu Gepard 3.9 của Việt Nam cho thấy: Tính từ khi kí hợp đồng, phải mất từ 4-5 năm thì tàu mới được bàn giao cho Hải quân Việt Nam.

Như vậy, với cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba, chẳng hạn nếu như việc kí hợp đồng diễn ra vào năm 2022, thì ước tính phải đến năm 2027, cặp tàu này mới gia nhập biên chế.

Mặt khác, giả dụ, nếu không mua tiếp Gepard 3.9 mà chọn một lớp tàu mới cũng dẫn đến việc phải đào tạo kíp thủy thủ đoàn mới. Kéo theo đó là sự gia tăng gánh nặng cho lực lượng hậu cần – kỹ thuật, khi vừa phải đảm bảo cho lớp Gepard 3.9, và lớp tàu mới đóng. Điều này có thể sẽ dẫn đến những tốn kém về nguồn lực và kinh phí.

Vì những lí do đó, việc đóng tiếp cặp tàu Gepard 3.9 thứ ba vẫn là lựa chọn tốt hơn. Với những kinh nghiệm từ hai cặp tàu trước đó, phía Nga chắc chắn sẽ đẩy nhanh được tiến độ đóng tàu.

Hải quân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: QĐND.

LỰA CHỌN CẤU HÌNH VŨ KHÍ NÀO CHO CẶP TÀU GEPARD MỚI?

Về cấu hình vũ khí, nay cả khi Việt Nam chỉ chấp nhận cải tiến nhỏ trên cặp tàu thứ ba, thì lợi thế lớn nhất của phương án này, đó là Việt Nam sẽ có 6 tàu Gepard 3.9 trước thời hạn năm 2030.

Như lãnh tụ Xô viết Stalin đã nói: “số lượng cũng là một loại chất lượng” (Quantity has a quality all its own). Việc sở hữu đội tàu cơ động tầm xa với 6 tàu Gepard 3.9 thay vì chỉ có 4 chiếc sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi thế lớn trên biển.

Còn nếu như mong muốn sở hữu cặp tàu Gepard 3.9 với cấu hình mạnh mẽ hơn, Việt Nam có thể sử dụng cấu hình tương tự như chiếc 693 Dagestan của Chi hạm đội Caspi, Nga.

Đây là chiếc tàu làm nhiệm vụ thử nghiệm vũ khí cho Hải quân Nga, thay cho các bệ phóng tên lửa Kh-35 là bệ phóng thẳng đứng (VLS) UKSK với 8 ống phóng tên lửa hành trình. Cấu hình này cho phép các tàu Gepard 3.9 có thể sử dụng các tên lửa hành trình chống hạm, đối đất, và chống ngầm thuộc họ Klub-N.

Điều này cho phép tàu có khả năng tấn công rất linh hoạt ở cự li xa, đảm nhiệm được nhiều nhiệm vụ khác nhau một cách hiệu quả.

Mặt khác, cách bố trí vũ khí này cũng đã được kiểm chứng nhiều năm trên chiếc 693 Dagestan, lại đã trải qua thực chiến phóng tên lửa hành trình Kalibr 3M-14T để tấn công các phần tử khủng bố IS ở Syria từ khoảng cách 1.500km vào năm 2015.

Đây chính là lợi thế quan trọng mà Việt Nam có thể lựa chọn, mà không phải băn khoăn về rủi ro khi lựa chọn phương án trang bị các cấu hình vũ khí chưa được kiểm chứng.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều