Việt Nam là địa điểm lý tưởng để đón dịch chuyển đầu tư
Lãnh đạo Kocham cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, cần có chính sách ổn định, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Sau dịch Covid-19, dự báo có một làn sóng dịch chuyển đầu tư trên toàn thế giới. Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được coi là có nhiều cơ hội đón làn sóng dịch chuyển này.
PV đã có cuộc trò chuyện với ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) để nhận định cơ hội của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển này.
Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Đến hết năm 2019, tổng vốn FDI từ Hàn Quốc là 67 tỷ USD, riêng năm 2019, số vốn từ nước này chiếm 1/5 tất cả đối tác.
Có chính sách để nhà đầu tư an tâm
Ông Hong Sun cho biết các doanh nghiệp đa quốc gia rất quan tâm đến việc đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành ổn định. Từ đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Nhật, Mỹ, EU và nhiều nước khác nữa. Do đó, họ cảm thấy cần phải dịch chuyển chuỗi cung ứng đến các nước khác.
“Người Hàn Quốc có câu là không nên cho tất cả trứng vào một túi, bởi nếu túi rơi thì vỡ hết. Do đó, phải bỏ trứng vào nhiều túi”, ông Hong Sun chia sẻ, giống với câu “không bỏ nhiều trứng vào một giỏ” của người Việt Nam.
Do đó, các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy các công ty Mỹ, Nhật, EU… không chỉ cung cấp sản phẩm cho riêng nước mình mà xuất khẩu đi khắp thế giới. Việc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất vào nhiều nước sẽ an toàn hơn. Bởi tương lai thế giới không biết có Covid-19 hay còn những dịch bệnh và biến cố nào khác.
Phó chủ tịch Kocham đánh giá Việt Nam là địa điểm lý tưởng để dịch chuyển đầu tư với vị trí gần với Trung Quốc. Vị trí này giúp tận dụng mạng lưới cung cấp hàng hóa của Trung Quốc về cả đường sắt, đường bộ, đường thủy.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc là không đơn giản và rất mất thời gian. Ông Hong Sun nhắc lại cách đây nhiều năm khi Trung Quốc mở cửa kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, nước này không phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ.
“Trước kia Trung Quốc rất cởi mở và ưu đãi cho nhà đầu tư, giá nhân công cũng rất rẻ. Hiện nay Việt Nam cũng có nhiều ưu thế tương tự nhưng phải cạnh tranh hơn với một số nước khác”, ông Hong Sun nói.
Ông nhấn mạnh hiện nay Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước khác để thu hút dòng FDI như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines… Còn trước kia, Trung Quốc phải cạnh tranh với rất ít đối thủ.
“Do đó, Việt Nam phải đưa ra các chính sách mới, hấp dẫn hơn. Đặc biệt là chính sách làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài an tâm. Chỉ như vậy mới thu hút được nhiều vốn vào lúc này”, ông chia sẻ và mong muốn Chính phủ Việt Nam cân nhắc việc thay đổi các chính sách.
Ông Hong Sun đánh giá Việt Nam đang nổi lên là nước rất giỏi trong việc khống chế dịch Covid-19, số ca nhiễm dưới 300 trong khi dân số gần 100 triệu người, chưa có ai tử vong. Dân số trẻ cũng là tiềm năng để thu hút các dự án lớn.
Hàn – Việt có thế mạnh để hợp tác
Phó chủ tịch Kocham nhấn mạnh doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho rằng nếu chỉ riêng doanh nghiệp Hàn Quốc là chưa đủ mà cần sự hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam nữa. Doanh nghiệp Hàn có thế mạnh về vốn và công nghệ. Còn doanh nghiệp Việt có những lợi thế khác. Sự hợp tác này nếu có thêm hỗ trợ của Chính phủ sẽ có những kết quả tốt đẹp.
Nói về thế mạnh riêng của sự hợp tác doanh nghiệp 2 bên, ông Hong Sun nói người Hàn Quốc và Việt Nam nhân sinh quan rất giống nhau. Người Hàn Quốc vào Việt Nam giống như ở quê hương chứ không phải một nước xa lạ. Văn hóa, suy nghĩ của người Hàn cũng rất tương đồng với Việt Nam. Tại châu Á, khó có 2 quốc gia hợp nhau như vậy. Do đó, vị này đánh giá đây là thế mạnh quan trọng của sự hợp tác lâu bền.
Cuối cùng, ông Hong Sun cho rằng Việt Nam cần phát triển nhanh công nghiệp phụ trợ để thu hút các dự án chất lượng. Thực tế cho thấy các tập đoàn lớn như Samsung, LG chưa có nhiều đối tác ở Việt Nam, do doanh nghiệp Việt chưa thể sản xuất được các thiết bị công nghệ cao.
Ông cho rằng để công nghiệp phụ trợ phát triển nhanh là một việc khó, nhưng nếu có giải pháp thì sẽ giải quyết được. Do đó, Việt Nam cần lưu tâm đến vấn đề này.
Hiếu Công/ZNS