+
Aa
-
like
comment

Việt Nam xây dựng thêm sân bay để phục vụ “nhà giàu”?

Đặng Trường - 26/05/2022 15:55

Dịp lễ vừa qua, sân bay quốc tế Nội Bài chật cứng hành khách sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Nghe đâu, cảng hàng không phải hạn chế người đưa tiễn tại nhà ga hành khách T2 để ứng phó với tình trạng quá tải.

Sân bay quốc tế Nội Bài quá tải ngày Lễ Tết.

Phương án xây dựng sân bây mới tại Hà Nội cần phải được tính tới. Cũng đã có không ít ý kiến xoay quanh kiến nghị xây dựng một sân bay thứ hai ở Hà Nội. Nhìn ở góc độ cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc có thêm đối trọng là điều cần thiết. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị lại cho rằng “Hà Nội không cần có sân bay thứ 2 để phục vụ nhà giàu”.

Ai cũng rõ, máy bay là loại hình vận tải có giá cước cao hơn những loại hình vận tải khác. Nhưng hơn mấy chục triệu lượt khách/năm của ngành hàng không trong năm qua không chỉ có “nhà giàu” mà còn có người lao động thu nhập trung bình. Cứ mỗi dịp lễ Tết, các sân bay đều chật kín hành khách bởi người lao động về quê, đi du lịch,… Thực tế, cũng có hãng hàng không giá rẻ với mức giá dao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, nhỉn hơn cước phí xe khách, tàu hỏa một chút nên được nhiều tầng lớp lựa chọn. Điều đó có thể chứng minh được sân bay không chỉ phục vụ “nhà giàu”.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, việc quy hoạch sân bay thứ 2 ở Hà Nội là không cần thiết vì đây là loại hình vận tải dành cho “nhà giàu”.

Thứ hai, sân bay là một trong những yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng, mà đã là cơ sở hạ tầng thì phải phục vụ cho toàn dân và cả nền kinh tế chứ không phải một nhóm người nào cả. Như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đâu chỉ phục vụ cho người dân TP.HCM mà nó còn phục vụ người dân ở hầu hết các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, chưa kể còn có hành khách ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc và khách quốc tế. Tương tự như sân bay quốc tế Nội Bài không chỉ phục vụ hành khách ở thủ đô mà còn phục vụ cho hành khách của vùng Đông Bắc, Tây Bắc và rất nhiều hành khách khu vực miền Trung, miền Nam, quốc tế. Thế nên, chắc chắn một điều, Hà Nội xây dựng thêm sân bay sẽ phục vụ cho hành khách ở nhiều nơi chứ không chỉ cho “nhà giàu” ở Hà Nội.

Huống hồ, công suất thiết kế hiện tại của sân bay quốc tế Nội Bài chỉ là 25 triệu khách/năm nhưng năm 2019 đã đón khoảng 29 triệu lượt. Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 nhưng cũng chỉ nâng tổng công suất lên được 30 triệu khách/năm. Hiện tại, sây bay quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận đến năm 2050. Nhưng sau năm 2050 hoặc các dịp lễ Tết hiện nay, khi tình trạng quá tải xảy ra thì không biết sẽ ứng phó kiểu gì?

Đồng ý, xây dựng sân bay mới là tốn kém, là làm tăng mật độ nhưng chắc chắn nó không chỉ phục vụ cho “nhà giàu”. Thay vì, làm sai lệch mục đích quy hoạch sân bay thứ hai cho Hà Nội, cản trở sự phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt đất nước thì TS. Nguyễn Xuân Thủy nên tích cực nghiên cứu, góp ý để dự án khi được triển khai tránh được nguy cơ đội vốn, chậm tiến độ, sớm ngày phục vụ nhu cầu của người dân.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều