+
Aa
-
like
comment

Việt Nam không còn là nước nghèo vay nợ nhiều

26/01/2021 16:30

Việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo vay nợ nhiều, đã trở thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài bền vững, trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị gánh nặng về nợ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn hoàn thiện khuôn khổ chính sách đáp ứng bối cảnh mới, cũng như cho quản lý nợ trong giai đoạn trung và dài hạn.

Đây là ý kiến nhận định tại Hội thảo về Quản lý Nợ nước ngoài quốc gia do Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế phối hợp tổ chức ngày 26/1 tại Hà Nội.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đổi mới trong quản lý nợ, đặc biệt là quản lý nợ nước ngoài. Việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo, vay nợ nhiều thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị coi là “có gánh nặng” về nợ.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong điều kiện nguồn lực trong nước còn hạn chế, vay nợ nước ngoài của các thành phần kinh tế thông qua sử dụng linh hoạt các hình thức huy động vốn đã góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư các công trình công cộng, khuyến khích tiết kiệm trong nước và đẩy nhanh tốc độ luân chuẩn vốn và khơi thông các nguồn lực tiềm tàng của nền kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định, chỉ tiêu trần nợ nước ngoài quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Nợ nước ngoài của khu vực nợ công (nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ.

Cụ thể, tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công có xu hướng giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, từ 73,6% năm 2010 xuống còn 63,4% năm 2015 và 43,7% năm 2020.

Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011 -2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016 – 2020, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Phó Cục trưởng Võ Hữu Hiển cho biết, vay nước ngoài của Chính phủ vẫn chủ yếu là các khoản ODA, vay ưu đãi (chiếm 98% nợ nước ngoài Chính phủ).

Đến nay, Việt Nam đã ký kết trên 85 tỷ USD vốn ODA, ưu đãi; điều kiện vay tương đối thuận lợi, thời gian đáo hạn bình quân là 13,8 năm, lãi suất bình quân gia quyền 1,35%.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Do đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, công cụ quản lý nợ nước ngoài cho phù hợp hơn với tính năng động của công tác vay nợ trong tình hình mới. Các tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam xem xét, điều chỉnh chính sách và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với đặc điểm rủi ro của mỗi cấu phần nợ và điều kiện phát triển của nước ta.

Đại diện Qũy Tiền tệ quốc tế cho rằng cơ chế quản lý nợ nước ngoài hiện nay của Việt Nam chưa tập trung vào nhiều nguồn gây rủi ro, vay ngắn hạn.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ thêm những kinh nghiệm quản lý nợ nước ngoài bền vững, hiệu quả và thảo luận về thực tiễn huy động nợ nước ngoài của khu vực công, khu vực tư nhân tại Việt Nam, bình luận về khả năng áp dụng các công cụ quản lý mới đối với nợ nước ngoài. Các nội dung thảo luận được tổng hợp để các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ chính sách quản lý nợ nước ngoài, phù hợp với yêu cầu cho giai đoạn trung và dài hạn.

Anh Min/VGP

Bài mới
Đọc nhiều