+
Aa
-
like
comment

Việt Nam không có chủ đích thao túng tiền tệ

19/12/2020 15:48

Ngay từ tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng hình ảnh đôi giày Nike để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam, từ đó, giúp thấy rõ hơn thực chất của quan hệ thương mại giữa hai bên. Còn theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn không có chủ đích hay ý đồ thao túng tiền tệ, chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu. Và bản chất là như vậy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng hình ảnh đôi giày để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Câu chuyện đôi giày Nike lại được nhắc lại trong bối cảnh ngày 16/12 vừa qua, Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định “thao túng tiền tệ”, khi vượt ngưỡng cả ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Trên thực tế, thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Thực hiện các chỉ đạo này, các bộ, cơ quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư… và cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi cho cả đôi bên.

Nay trước động thái mới từ Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Vì sao Việt Nam thặng dư thương mại với Hoa Kỳ?

Trao đổi với PV, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, có nhiều điểm cần làm rõ liên quan tới cả ba tiêu chí nói trên của phía Hoa Kỳ.

Thứ nhất, Hoa Kỳ thắc mắc nếu không phải can thiệp tỷ giá sao Việt Nam bán hàng qua Hoa Kỳ nhiều như vậy? Thực tế, việc thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trong hơn 30 năm qua phản ánh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường, với các đặc trưng của Việt Nam về chi phí nhân công rẻ, lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, sử dụng tài nguyên, dẫn tới giá hàng hoá xuất đi rất rẻ, TS Trương Văn Phước nhận định.

Thứ hai, về cán cân vãng lai – bao gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền (gồm chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối). Vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất siêu nhưng không lớn, một năm cỡ khoảng 5 đến 10 tỷ USD, năm nay hơn 20 tỷ USD. Trong khi cán cân vãng lai của các nước tăng cao do thương mại thì ở Việt Nam, cán cân vãng lai thặng dư chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài quyết định chuyển hoặc không chuyển tiền về. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí của Hoa Kỳ quy định là 2% GDP.

Thứ ba, về can thiệp trên thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.

Một vấn đề quan trọng nữa, phía Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối can thiệp nhằm định ra giá trị tiền đồng dưới giá trị thật. Về vấn đề này, TS Trương Văn Phước cho rằng, chúng ta có thời gian để giải thích rõ hơn với Hoa Kỳ về mức ngang giá tiền tệ của tiền đồng so với USD.

Mức ngang giá tiền tệ này phụ thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, nhất là với Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4% trong khi lạm phát của Hoa Kỳ chưa đến 2%, việc tiền đồng mất giá 1 đến 1,5% có thể hiểu được. “Tôi không cho rằng VND hiện nay dưới giá trị thực như trong báo cáo của Hoa Kỳ. Có nhiều năm lạm phát Việt Nam cao 5 đến 6% nhưng tiền đồng chỉ mất giá 1 đến 2%. Tiền đồng thậm chí còn mất giá rất chậm”, TS Trương Văn Phước phân tích.

“Tóm lại, đó là những vấn đề khách quan, Việt Nam không chủ đích hay ý đồ thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu, cạnh tranh không lành mạnh, mà việc xuất siêu sang Hoa Kỳ bản chất do cơ cấu thương mại”, ông Phước nhấn mạnh.

Chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền

Cùng quan điểm này, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc áp dụng ba tiêu chí để đánh giá các nước có thao túng tiền tệ hay không là cách nhìn của Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể giải thích cho phía Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về đặc điểm cơ cấu kinh tế Việt Nam và triển vọng hợp tác kinh tế hai bên trong dài hạn.

Ngày 30/5/2017, dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, lấy ví dụ về trường hợp giày Nike khi đó đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng 138 triệu đôi/năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, nếu một đôi giày có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng cao, trong 10 năm tăng 5 lần, tính tới thời điểm đó. “Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có tính bổ sung cho nhau và càng tăng cường hợp tác chúng ta có nhiều lợi ích”, theo thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên tờ Washington Times cùng ngày.

“Trước hết, với vai trò của một người đã tham gia Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia của Việt Nam liên tục từ năm 1999 tới nay, tôi khẳng định chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền theo kiểu thao túng tiền tệ để cạnh tranh xuất khẩu”, TS Trần Du Lịch khẳng định.

Lý do, kinh tế Việt Nam cho tới những năm gần đây vẫn là nền công nghiệp gia công là chủ yếu, do đó, nếu phá giá đồng tiền sẽ dẫn tới hệ quả là tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, chưa kể còn tăng nợ quốc gia tính bằng đồng Việt Nam.

Về việc Việt Nam luôn xuất siêu trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, TS Trần Du Lịch cũng nêu rõ, cái gốc của vấn đề là do cơ cấu xuất khẩu, ngoại thương của hai nước, không phải do nguyên nhân khác. Những hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ, tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ mới xuất siêu trong mấy năm gần đây, do đó, cán cân vãng lai chủ yếu được cân đối bằng các nguồn ngoại tệ khác không phải từ thương mại, chẳng hạn như kiều hối. Dòng kiều hối chuyển về nước để đầu tư và tiêu dùng đều phải được chuyển sang đồng Việt Nam, nên việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ ròng thực sự là dịch vụ đổi tiền để phục vụ hoạt động thanh toán trong nước, không phải là công cụ thao túng đồng tiền.

Cũng trong thời gian qua, Việt Nam rất muốn và đã hết sức nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam để họ tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị từ Hoa Kỳ. Tiến trình này chưa được như kỳ vọng nhưng có những tín hiệu tích cực trong thời gian tới. Mặt khác, ngay Việt Nam cũng là một nước nhập siêu với nhiều quốc gia khác.

Nỗ lực thực chất để cân bằng thương mại

Thực tế, dù thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam tiếp tục được ghi nhận, nhưng nhìn trong dài hạn, Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất và đang có xu hướng tăng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 12,45 tỷ USD từ Hoa Kỳ, giảm nhẹ 4,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là hệ quả của một tình thế đặc biệt, với tác động nghiêm trọng của COVID-19 tới tất cả các nền kinh tế.

Còn trước đó, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ đã đạt 14,36 tỉ USD, tăng 12,64% so với năm 2018. Trong đó, Việt Nam chi đến 4,85 tỉ USD để nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng tới 59,14% so với năm trước. Một mặt hàng khác tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ là chất dẻo nguyên liệu với mức tăng 84,28%; kim ngạch gần 826,5 triệu USD…

Quan sát quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua, chuyên gia Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực thực chất để cân bằng hơn cán cân thương mại hai bên. Việt Nam đã chấp nhận hạ thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) các mặt hàng mà Hoa Kỳ có thế mạnh để hàng của Hoa Kỳ có thể vào Việt Nam nhiều hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đặt mua hàng trăm máy bay trị giá hàng chục tỷ USD từ phía các nhà cung cấp Hoa Kỳ và nhiều máy bay theo các thỏa thuận này đã có mặt tại Việt Nam thời gian qua… Việt Nam chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ, đẩy nhanh xúc tiến các dự án điện khí quy mô lớn do các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư và sẽ mua khí đốt của Hoa Kỳ khi đi vào hoạt động…

Tuy nhiên, trong gần 4 năm qua, cạnh tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung và nhất là đại dịch COVID-19 đã khiến những nỗ lực này gặp không ít khó khăn. Thương chiến khiến hàng hoá Việt Nam có lợi thế hơn khi vào Hoa Kỳ. Việt Nam lại chống COVID-19 rất tốt nên nền kinh tế vẫn hoạt động, dòng hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn ổn trong khi chiều ngược lại giảm mạnh… Đây là một trong những lý do khiến Việt Nam vượt ngưỡng cả ba tiêu chí của phía Hoa Kỳ, ông Nguyễn Minh Đức nhận định.

Thông tin từ Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020 tổ chức tháng trước cũng cho thấy, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G…

Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, những thành công trong quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề thương mại ưu tiên. Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.

“Về bản chất, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ và cùng Hoa Kỳ nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Marie Damour – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM khẳng định, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tận dụng đà tăng trưởng đã đạt được trong thời gian qua để hướng tới một tầm cao mới trong thời gian tới. “Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, sản xuất… Đây đều là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thể đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của hai bên” – bà Marie Damour cho biết.

Cả TS Trương Văn Phước và TS Trần Du Lịch đều cho rằng, nếu Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam phải thu hẹp thặng dư thương mại, thì Việt Nam cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn điều chỉnh dần để cán cân thương mại tiến tới cân bằng là tốt hoặc để thặng dư không lớn.

Theo đó, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh cơ cấu thương mại đối với nhiều nước, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như nông sản, công nghệ cao, năng lượng và thiết bị khoa học kỹ thuật…

TS Trần Du Lịch hy vọng, với chiều hướng quan hệ toàn diện giữa hai nước đang tốt đẹp, các cơ quan của Chính phủ Mỹ và Việt Nam có thể ngồi lại, trao đổi làm rõ hơn, hiểu nhau hơn và có những động thái tích cực hơn để cải thiện đáng kể thương mại giữa hai nước.

“Tôi tin chính quyền Hoa Kỳ sẽ lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam và những người hiểu biết lĩnh vực thương mại, tỷ giá hối đoái để thấy rằng Việt Nam không có chủ đích phá giá tiền tệ. Qua quá trình đối thoại, tranh luận, đặc biệt Việt Nam cũng được sự ủng hộ của chuyên gia kinh tế uy tín tại Hoa Kỳ, họ sẽ có cái nhìn chiều sâu hơn trong câu chuyện này”, TS Trương Văn Phước nêu quan điểm.

Hà Chính/VGP

Bài mới
Đọc nhiều