+
Aa
-
like
comment

Việt Nam không cần thứ “dân chủ” áp đặt

An Diễm - 24/10/2021 16:13

Nghe tin Hoa Kỳ có kế hoạch lập “Liên minh các nền dân chủ” cho thương mại, trang Việt Nam Thời Báo (VNTB) có bài tỏ ra “tiếc nuối” vì Việt Nam không đi theo con đường kiểu Mỹ. Nhưng liệu chúng ta có cần thứ “dân chủ” áp đặt ấy?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nội dung bài viết của VNTB dẫn nguồn tin cho biết Hoa Kỳ không có ý định tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà sẽ thành lập “Liên minh các nền dân chủ” về thương mại. Bản chất của liên minh này là các quốc gia có thể chế chính trị giống kiểu Mỹ, thứ mà họ thường tự nhận là “nền dân chủ”. Sau đó trang này trích dẫn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” để ngầm chỉ trích cho rằng “thật đáng tiếc” vì Việt Nam không đi theo con đường “dân chủ” kiểu Mỹ.

Bài viết xuyên tạc của VNTB.

Thực tế, Việt Nam ngày nay có vị thế cao chưa từng có trên trường quốc tế. Chúng ta đã ký tới 14 hiệp định FTA với đủ các đối tác lớn nhất trên thế giới như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng 3 hiệp định khác đang đàm phán hoặc chờ phê chuẩn. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ để tận dụng đầy đủ các ưu thế với đối tác này. Thống kê cho biết chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 80,53 tỷ USD, chiếm 16,64% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 57 tỷ USD. Với những số liệu này, rõ ràng Việt Nam không cần phải thèm khát hay “tiếc nuối” gì cả.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, bằng những dẫn chứng và lập luận sinh động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rõ ràng những nhược điểm của mô hình “dân chủ” kiểu Mỹ: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức ‘dân chủ tự do’ mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân – yếu tố bản chất nhất của dân chủ”. Tuy có nhiều nhược điểm như vậy, nhưng Mỹ và đồng minh nhiều năm qua đã phát động những cuộc chiến để áp đặt “dân chủ, tự do” theo quan điểm của họ, và hình ảnh Syria, Libya hay Iraq ngày nay đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng của việc đó. Thế giới ngày nay đã văn minh hơn, các quốc gia cần hợp tác với nhau trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị và các quan điểm của nhau. Không thể có một mối quan hệ bình đẳng, hay được tôn trọng nếu chúng ta không là chính mình mà phải chạy theo một nước nào khác. Tư duy của VNTB muốn “học theo Mỹ” là sai lầm và không thể chấp nhận.

Đất nước Libya hoang tàn vì nền “tự do, dân chủ” kiểu phương Tây.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris, bà Haris đã thể hiện rõ mong muốn nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Điều này thể hiện vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, thứ mà nhiều quốc gia theo mô hình “dân chủ” kiểu Mỹ đã không có được. Rõ ràng, muốn làm bạn với Mỹ, chúng ta phải có thực lực, phải có vị thế và sức mạnh, và luôn luôn tự tin với vai trò của mình. Thành quả phát triển kinh tế của Việt Nam bao năm qua, các Hiệp định đối tác mà Việt Nam đã ký, và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Mỹ ngày càng tăng đã thể hiện con đường đúng đắn mà Việt Nam theo đuổi. Như Tổng Bí thư đã viết, đó là “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”, mang lại “giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.”

VNTB muốn mượn sự kiện “Liên minh dân chủ” của Mỹ để ngầm chỉ trích chính sách của Đảng và Nhà nước, muốn xúi giục gây chia rẽ trong nội bộ Đảng nhưng họ đã không thành công. Người ta không cần phải thay đổi khi mọi thứ đang tốt đẹp. Và, như Tổng bí Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều