“Việt Nam không bao giờ bị lôi kéo để chống lại ai”!
Đó là câu nói khẳng định chắc nịch của Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khi nói về vấn đề Biển Đông hiện nay. Quả thực, điều mà cả thế giới cũng thấy rõ không ai lôi kéo được Việt Nam cả. Và Việt Nam hiện tại không thể chạy theo đất nước nào cả mà là một Việt Nam tự cường, chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Khi quốc gia nào có lập trường, quan điểm phù hợp với chúng ta thì chúng ta hoan nghênh. Điều gì gây ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam thì chúng ta phản đối.
Quả thực, lâu nay Biển Đông luôn là vấn đề nóng trên mọi diễn đàn quốc tế. Phía Trung Quốc liên tục gây hấn, tuyên bố và hành động bất chấp luật pháp quốc tế. Ví dụ, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Việt Nam có đầy đủ thẩm quyền thực hiện các hoạt động kinh tế mà không quốc gia nào có quyền ngăn cản, quấy nhiễu, thế nhưng Trung Quốc cho các tàu hải cảnh hoặc tàu có vũ trang, giả dạng tàu đánh cá ngăn cản, đe doạ và dùng vũ lực, thậm chí cố tình đâm chìm tàu cá của ta, xâm hại tính mạng của ngư dân ta…; họ ngăn chặn quyết liệt các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của ta, kể cả ở những khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, trước hành động đó Việt Nam vẫn luôn giữ lập trường tôn trọng hoà bình, chúng ta rất khéo mối quan hệ quốc phòng với chính sách bốn không “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”. Ngay cả khi Mỹ có những tuyên bố về hành động của Trung Quốc, Việt Nam ta vẫn giữ một thái độ trung lập, bởi Việt Nam hiểu rằng người Mỹ hay Trung Quốc đều giống nhau, Trung Quốc muốn thực hiện mưu đồ bành trướng lãnh thổ, tìm cách để vượt Mỹ và Mỹ đang là quốc gia số một thế giới, họ chẳng bao giờ muốn TQ vượt mặt mình. Hơn nữa, Biển Đông có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng; không chỉ đối với Mỹ, Trung mà là cả thế giới. Rất nhiều đồng minh của Mỹ nằm cạnh Trung Quốc, vậy nên chẳng bao giờ họ chấp nhận Trung Quốc độc chiếm biển Đông.
Việt Nam luôn có quan điểm nhất quán và xuyên suốt là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam có thể làm bạn tất cả các nước, nhưng bảo ta theo người này chống người kia thì không bao giờ. Đó là đường lối ngoại giao khôn khéo mà ông cha ta đã đúc kết từ hàng ngàn năm nay. Việt Nam độc lập, tự chủ mà chẳng lệ thuộc bất cứ nước nào! Không chia bè, kéo cánh theo kiểu đồng minh với anh này để chống lại anh kia; nhờ thế mà chúng ta có môi trường thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế – xã hội; từ chỗ bị cô lập, bị “ngăn sông cấm chợ” thì đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có mối quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vẫn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Vậy nên, trong khi mở rộng hợp tác quốc tế theo tinh thần Việt Nam là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng ta phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chủ động tự lực cánh sinh thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam luôn tôn trọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Thiết nghĩ, trong tình hình hiện nay, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gia tăng, Trung Quốc cần đến các đồng minh, cần đến sự hỗ trợ chứ không phải sự đối đầu. Nếu người bạn láng giềng chơi chiêu, âm mưu xâm chiếm lãnh thổ thì Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, giữ chủ quyền. Việt Nam cần bảo vệ chủ quyền của mình, đồng thời phải kiên trì giữ vững môi trường hòa bình. Việt Nam không mong muốn bất cứ cuộc xung đột nào diễn ra, nhưng phải bảo vệ chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thiết nghĩ, đây là một bài toán không đơn giản nhưng là một người dân Việt Nam, hãy tin tưởng vào tài ngoại giao, cái nhìn chiến lược đúng đắn và những quyết sách của Chính phủ.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả