+
Aa
-
like
comment

Việt Nam khôn ngoan đi nước cờ “ngoại giao vaccine” để đẩy lùi dịch bệnh

Đặng Trường - 12/06/2021 20:06

Xác định tiêm vaccine và miễn dịch là giải pháp căn cơ cho việc khống chế dịch Covid-19 nên thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực đàm phán, phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ tiếp cận vaccine của nhiều nước phát triển. Bản thân tôi thấy rất mừng vì điều đó.

Cận cảnh lô vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam.

Là một công dân đang sinh sống tại TP.HCM, bản thân tôi cũng có nhiều lo lắng khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tôi không muốn đề cập đều số ca mắc Covid-19 mỗi ngày, hiện tại, TP.HCM cũng đã giãn cách xã hội được gần hai tuần nhưng với tình hình chưa được công bố đạt tới đỉnh dịch, số ca nhiễm chưa tìm được nguồn lây vẫn còn thì có thể thấy, dịch bệnh vẫn sẽ còn đeo bám, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dân ít nhất là 2 tháng nữa. Có lẽ, nhiều người đang rất thèm cảm giác được trở lại cuộc sống bình thường, được đi làm, đi chợ, mua sắm, xem phim, du lịch, buôn bán, kinh doanh,… bình thường trở lại. Nhưng trước tiên, điều thèm khát nhất vẫn là được tiêm vaccine phòng Covid-19 để không phải thấp thỏm mỗi ngày vì có nguy cơ mắc Covid-19 hoặc bị điệu đi cách ly tập trung bất cứ lúc nào.

Không thể phủ nhận những gì Việt Nam đã làm được thời gian qua. Nhờ chính sách quyết liệt và khả năng truy vết thần tốc mà không có quốc gia nào làm được, chúng ta có quyền tự hào và biết ơn những gì Chính phủ cũng như đất nước đã làm. Nhưng Việt Nam không thể cứ mãi truy vết, phong tỏa, tạm dừng kinh doanh hay đóng cửa thông thương mãi được. Rõ ràng, chỉ có vaccine mới là vũ khí hiệu quả nhất để chấm dứt cuộc chiến lịch sử này. Làm sao Việt Nam có đủ vaccine nhanh nhất? Đó là thương vụ lớn nhất, đang được suy tính nhiều nhất của Chính phủ và cả nước vào lúc này.

Toàn dân được tiêm vaccine miễn phí đang là mục tiêu lớn nhất của Chính phủ trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

Dẫu biết là việc đàm phán không dễ dàng như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã từng chia sẻ nhưng Chính phủ và Bộ Y tế vẫn không ngừng nỗ lực tiếp cận hàng loạt các quốc gia, tổ chức, tìm đủ mọi cách để có đủ vaccine tiêm cho 75% dân số. Từ việc tiếp cận đàm phán với Pfizer-BioNTech về giá cả, số lượng, điều kiện hợp đồng, phê duyệt có điều kiện vaccine Trung Quốc đến việc đàm phán để có được 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga trong năm 2021 là cả quá trình cố gắng từng bước một của Chính phủ và Bộ Y tế. Đặc biệt, mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long đã có 3 cuộc làm việc với các Đại sứ của Australia, Pháp và Thụy Sỹ tại Việt Nam. Sự cố gắng của Bộ Y tế đã nhận được sự đồng ý của Chính phủ Australia về tài chính cho công tác phòng chống dịch của Việt Nam, trong đó có tiếp cận vaccine phòng Covid-19 và hệ thống dây chuyền lạnh, tủ bảo quản lạnh cũng như xe lạnh chuyên dụng để vận chuyển vaccine. Hơn nữa, Bộ Y tế còn đề xuất khoản viện trợ gần 10,5 triệu USD trong số gần 31 triệu USD  để mua vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Về phía Thụy Sỹ, kết quả sau nhiều giờ đàm phán đó là 5 triệu liều vaccine Moderna sẽ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Còn đối với Pháp, người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam mong muốn ngoài hỗ trợ qua cơ chế COVAX, phía Pháp cũng có những hỗ trợ khác về vaccine cho Việt Nam, hai bên hợp tác trao đổi, chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam trong phát triển, sản xuất vaccine.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đàm phán vaccine phòng Covid-19 với Đại sứ của Australia, Pháp và Thụy Sỹ tại Việt Nam.

Hiện nay, số lượng vaccine nằm trong kế hoạch được đưa đến Việt Nam là 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer-BioNTech, 20 triệu liệu vaccine Sputnik V và một số lượng chưa cụ thể được tặng từ Trung Quốc. Từ đây, có thể so sánh, số lượng vaccine đàm phán với Australia, Thụy Sỹ, Pháp không lớn như Mỹ, Anh, Nga nhưng điều đó càng chứng minh, Việt Nam không từ bỏ bất kỳ một quốc gia hay một cánh cửa nào, dù cho cánh cửa ấy nhỏ ra sao. Miễn là cánh cửa đó mang về cơ hội mua được vaccine, tự sản xuất được vaccine cho người dân Việt Nam thì nước ta vẫn cật lực tiếp cận. Và chắc chắn một điều, chính quyền, lãnh đạo vẫn sẽ tiếp tục tiếp cận nhiều cánh cửa khác nữa, không bó hẹp, từ bỏ bất kỳ cánh cửa nào, chớp nhanh cơ hội trong thời gian tới.

Là người Việt Nam, ai cũng cảm thấy rất mừng vì Chính phủ đã có một sự lựa chọn sáng suốt, khôn ngoan trong cuộc chạy đua vaccine để tiến đến miễn dịch cộng đồng. Trên cả niềm vui đó là niềm hạnh phúc vì là công dân Việt Nam, được sống trong một đất nước mà chính quyền, lãnh đạo đang làm hết khả năng vì nước vì dân. Được biết, Quốc hội đã quyết định sử dụng hơn 12.000 tỷ đồng để mua vaccine phòng chống Covid-19, đó có thể xem là một sự hy sinh để Việt Nam sớm mở cửa lại nền kinh tế mà không bị bật/tắt thường xuyên làm đổ vỡ sinh kế của người dân.

Để có một liều vaccine là cả quá trình đàm phán ngoại giao của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vaccine phòng Covid-19, đó là phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Thế nên những nước cờ “ngoại giao vaccine” đang được Việt Nam tận dụng triệt để với tất cả các nước có thể cho chúng ta vaccine. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần hiểu rõ điều này và chung tay hành động cùng đất nước. Đó không chỉ đơn giản là những lời ủng hộ, động viên quyết định của đất nước mà đó còn là nghĩa cử cao đẹp đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 trên tinh thần ” một đồng đóng góp cũng quỹ” đang được Chính phủ kêu gọi nhiều ngày qua.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều