+
Aa
-
like
comment

Việt Nam kêu gọi nguồn lực chuyển đổi năng lượng sạch

Đông Duy - 02/12/2023 08:21

Ngoài 15,5 tỉ USD các đối tác cam kết hỗ trợ cho Việt Nam để chuyển đổi năng lượng sạch trong Tuyên bố JETP, Việt Nam tiếp tục công bố kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới phát thải bằng 0.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”

15,5 tỉ USD cam kết hỗ trợ

Trưa 1.12 (giờ địa phương), lễ khai mạc trọng thể Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đã diễn ra tại Dubai (UAE).

Đây được xem là sự kiện đa phương về chống biến đổi khí hậu quan trọng nhất trong năm, với sự tham gia của 70.000 người đến từ 197 bên tham gia Công ước. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại lễ khai mạc, TTK LHQ António Guterres, Tổng thống nước chủ nhà UAE Mohamed bin Zayed, Nhà vua Anh Charles III, Tổng thống Brazil Da Silva nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nhà lãnh đạo cho rằng COP28 là niềm hy vọng của thế giới, đánh dấu bước ngoặt mang tính chuyển đổi, theo đó, các hành động khí hậu cần hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp…

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh Châu Âu, Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (viết tắt là IPG). Trước đó, tuyên bố JETP đã được Việt Nam và các thành viên IPG thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU tại Bỉ hồi tháng 12.2022.

Thông qua JETP, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi…

Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD trong vòng 3 – 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Tháng 8.2023, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án triển khai JETP. Theo đó, Việt Nam cần phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Tuy nhiên, nguồn tài chính từ JETP mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, do đó sẽ tiếp tục huy động và sử dụng nguồn ngân sách và huy động từ khối tư nhân.

Kế hoạch huy động nguồn lực tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng.

Ngoài ra, còn có chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành GTVT; đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng. Kế hoạch huy động nguồn lực được công bố tại COP28 là dấu mốc mới trong nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững.

Thủ tướng cho biết Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 5 vấn đề: trong đó về tài chính đề nghị hỗ trợ 15,5 tỉ USD như cam kết JETP; cung cấp công nghệ để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; giúp quản trị tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực.

Trao đổi riêng với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ kế hoạch huy động này sẽ thành công tốt đẹp. Đồng thời mong Chủ tịch EC tích cực hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này cũng như thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại nhanh chóng thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Thủ tướng cũng mong EC ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc chống đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép, không khai báo (IUU), qua đó gỡ “thẻ vàng” của EC; khẳng định Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác với EU để thực hiện JETP.

Chuyển dần từ điện than sang điện tái tạo

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Bill Winters, Tổng giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, đồng chủ trì sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc COP28
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc COP28

Thủ tướng cho biết, sau COP26, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển năng lượng đến 2050; chiến lược chống biến đổi khí hậu đến 2050; Quy hoạch điện VIII; đề án xây dựng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp; một loạt dự án về năng lượng xanh, sạch… Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Standard Chartered cho vay với lãi suất ưu đãi phù hợp trong các lĩnh vực ưu tiên trên. Việt Nam cần có giai đoạn chuyển tiếp từ nhà máy điện than sang các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Nhắc lại quan điểm đã chia sẻ từ Hội nghị COP26, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hóa dân số. “Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân nên cần hỗ trợ, đoàn kết quốc tế để xử lý vấn đề toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, dù là nước đang phát triển nhưng Việt Nam vẫn thực hiện cam kết quốc tế đến 2050 đưa phát thải ròng bằng 0, chung tay bảo vệ thế giới. Chia sẻ thêm về dự án trồng
1 triệu ha lúa, theo Thủ tướng, đây là dự án duy nhất trên thế giới nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa giảm phát thải ngành nông nghiệp.

Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, phù hợp với xu thế tất yếu toàn thế giới. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Các dự án điện gió, điện mặt trời được ưu đãi về giá bán điện, miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ đầu tư hạ tầng lưới điện. Nhờ đó, các dự án điện gió, điện mặt trời đã phát triển nhanh chóng, góp phần tăng tỉ trọng năng lượng sạch trong tổng sản lượng điện của Việt Nam.

Tỉ trọng năng lượng sạch trong tổng sản lượng điện của Việt Nam ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, tỉ trọng năng lượng sạch trong tổng sản lượng điện của Việt Nam đạt 38%, vượt mục tiêu 35% trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, điện gió và điện mặt trời chiếm lần lượt 21% và 17%.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch trên thế giới. Nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư năng lượng sạch trên thế giới. Tính đến hết tháng 6/2023, tổng công suất điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam đã đạt hơn 50.000 MW, trong đó có hơn 30.000 MW là công suất của các dự án điện gió và điện mặt trời do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.

Dù vậy, chuyển đổi năng lượng sạch là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các cơ quan chức năng mà cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và cộng đồng. Khi hội tủ đủ những nhân tố không thể thiếu đó, Việt Nam hoàn  toàn có thể chinh phục mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều