+
Aa
-
like
comment

Việt Nam kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Myanmar

11/03/2021 11:16

Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt ngay bạo lực và ổn định tình hình khi xây dựng Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an về Myanmar, theo Bộ Ngoại giao.

Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA) hôm 10/3 họp và thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về tình hình ở Myanmar theo đề nghị của Anh.

Tham gia đóng góp, xây dựng Tuyên bố Chủ tịch, Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu phải chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, bảo đảm an toàn cho dân thường, kêu gọi kiềm chế tối đa và tiến hành đối thoại để hướng tới giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Myanmar và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.

Việt Nam cũng thông báo các nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, thêm rằng ASEAN sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách thiện chí, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.

Người biểu tình trên đường phố Yangon, Myanmar, hôm 9/3. Ảnh: AFP.
Người biểu tình trên đường phố Yangon, Myanmar, hôm 9/3. Ảnh: AFP.

Trong tuyên bố, HĐBA bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 1/2, kêu gọi thả những thành viên chính phủ bị bắt.

HĐBA cũng lên án bạo lực và các hạn chế, khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền, khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar, đồng thời ủng hộ mạnh vai trò và nỗ lực của ASEAN.

HĐBA kêu gọi bảo đảm tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở cho tất cả mọi người, khẳng định ủng hộ người dân Myanmar, cam kết đối với chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.

Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân sự hôm 1/2 với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng hồi tháng 11. Hơn một tháng qua, hàng trăm nghìn người đã biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, đồng thời tôn trọng kết quả cuộc bầu cử.

Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến hơn 60 người thiệt mạng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra.

Anh, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt những biện pháp trừng phạt với chính quyền quân sự Myanmar. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào những doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều