+
Aa
-
like
comment

Việt Nam “hút” gần 14 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng

28/05/2020 20:56

Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư gần 14 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó, riêng tháng 5/2020, Việt Nam thu hút được hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn FDI thực hiện trong 5 tháng đạt 6,7 tỷ USD.

Vốn FDI thực hiện trong 5 tháng năm 2020 đạt 6,7 tỷ USD. Ảnh: H.Anh.

Trong đó, nguồn vốn FDI đăng ký mới đạt 7,44 tỷ USD với 1.212 dự án. Có 436 dự án đăng ký tăng thêm vốn tổng cộng hơn 3,45 tỷ USD. Bên cạnh đó, góp vốn mua cổ phần đạt gần 3 tỷ USD ở 3.528 dự án.

Theo Bộ KH&ĐT, so với cùng kỳ năm 2019, vốn FDI bị sụt giảm 17%. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm nay lượng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn tăng cao hơn cùng kỳ của các năm trước đó dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 5 tháng qua với hơn 6,87 tỷ USD. Xếp thứ hai là sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với gần 4 tỷ USD nhờ có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Với gần 945 triệu USD, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đứng thứ ba và xếp thứ tư là hoạt động kinh doanh BĐS với 801,2 triệu USD…

Đến thời điểm hiện tại, có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ USD.

Liên quan đến thu hút FDI của Việt Nam, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón dòng vốn đầu tư vàng đến từ các quốc gia.

Đây là động thái tích cực trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh lớn trong thu hút FDI giữa các quốc gia có lợi thế trong khu vực.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, đầu tư nước ngoài trên thế giới có xu hướng chung là giảm và chỉ tăng ở một số nước, vì thế cạnh tranh thu hút FDI ở các nước đang rất khốc liệt.

Trước đó, ngay khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, các nhà đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia đã đưa ra các cơ chế chính sách đón lõng dòng đầu tư này. Thái Lan, Campuchia và bản thân Trung Quốc cũng đều đã đưa Luật Đầu tư nước ngoài thế hệ mới.

“Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có đánh giá về dòng dịch chuyển đầu tư, làm sao để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, đón được dòng vốn có chất lượng, hiệu quả. Năm 2019, Việt Nam đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư với nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho “đại bàng tới đẻ trứng”. Tăng trưởng GDP quý I/2020 của Việt Nam vẫn tích cực so với nhiều quốc gia khác, do đó, triển vọng đầu tư nước ngoài sau dịch Covid-19 ở Việt Nam là rất lớn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Hoài Anh/HQ

Bài mới
Đọc nhiều