+
Aa
-
like
comment

“Trái ngọt” từ một lời cam kết

Minh Thanh - 23/12/2022 13:40

Sau rất nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu thì mới đây Việt Nam đã chính thức nhận được gói tài chính khí hậu 15,5 tỷ USD mang tên Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhằm giúp cho Việt Nam giảm đi sự phụ thuộc vào than đá trong vòng 3-5 năm tới.

Nhà máy điện gió Mũi Dinh.

Trước đó, trong Hội nghị COP27, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), đã có những chia sẻ thiết thực về nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo ông Tấn, khí thải nhà kính chính là một trong trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc gia tăng nhiệt độ Trái Đất, làm biến đổi khí hậu và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chính vì thế, việc giảm phát thải khí nhà kính là một trong những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam hướng đến và cũng là đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, để sử dụng năng lực hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam dự định sẽ sử dụng khí sinh học và nhiên liệu sạch hơn thay cho than đá để đun nấu gia đình ở nông thôn, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới; chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hóa; sử dụng CNG và nhiên liệu sinh học; tăng cường sử dụng các loại xe máy, ô tô, xe buýt chạy điện.

Lãnh đạo Vương quốc Anh chúc mừng Việt Nam đạt được gói tài chính khí hậu 15 tỷ USD

Trong vấn đề cung cấp năng lượng hướng đến giảm phát thải, Việt Nam tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo như thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, mặt trời; phát triển nhiệt điện sinh khối, điện rác thiêu đốt và điện rác chôn lấp, điện khí sinh học; sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp dùng LNG; phát triển công nghệ nhiệt điện cực siêu tới hạn.

Trước đó, tại Hội nghị COP26 vào tháng 8/2022, Chính phủ Việt Nam từng cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Nhận thấy những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, mới đây các lãnh đạo của Nhóm Đối tác quốc tế bao gồm Vương quốc Anh, EU, Mỹ đã đồng ý ký kết Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), giúp Việt Nam nhận được 15,5 tỷ USD cho gói tài chính khí hậu để giảm phụ thuộc vào than đá. Gói tài chính này sẽ được huy động trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận này sau Nam Phi và Indonesia. Gói tài chính này được kỳ vọng sẽ giúp cho các quốc gia có thu nhập trung bình phụ thuộc vào than đá như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có chuyến thăm Châu Âu tại 3 quốc gia là Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ, qua đó một lần nữa nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với công tác chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7, kỳ vọng EU sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, cùng nhau tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xanh.

Sau chuyến thăm này, các quốc gia cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Từ đó góp phần ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và giữ cho môi trường sống luôn được xanh, sạch và đẹp.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều