Việt Nam hợp tác với các nước giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông
Ngày 15/8, tại thủ đô Maputo, trong khuôn khổ hợp tác về nghiên cứu và thông tin đối ngoại với các cơ quan sở tại, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng đã có chuyến thăm làm việc và thuyết giảng tại Đại học Joaquim Chissano với chủ đề “Tình hình Đông Nam Á và chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Tham dự buổi thuyết giảng có đông đảo thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên các Khoa Quan hệ quốc tế, Chính trị học, Phát triển và hành chính công cùng hơn 250 sinh viên của Đại học Joaquim Chissano.
Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, tại buổi thuyết giảng, Đại sứ Lê Huy Hoàng đã trao đổi tình hình và thành tựu nổi bật của Việt Nam, những diễn biến gần đây trong khu vực, sự quan tâm của các đối tác, nỗ lực và vai trò của Việt Nam, cũng như của ASEAN đối với hòa bình phát triển trong khu vực. Những diễn biến mới nhất về tình hình Đông Nam Á và trên Biển Đông đã thu hút sự quan tâm và tương tác sôi nổi của các giảng viên và sinh viên Đại học Joaquim Chissano.
Trả lời các câu hỏi về ASEAN, quan hệ của Việt Nam với các nước, Đại sứ Lê Huy Hoàng khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín và vai trò quan trọng tại khu vực cũng như trên thế giới; tích cực, chủ động hợp tác với các nước ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, vận dụng tốt các cơ chế khuôn khổ hợp tác hiện có trong khu vực với các nguyên tắc minh bạch dựa trên luật lệ và vai trò trung tâm của ASEAN để thúc đẩy hòa bình, phát triển trong khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Lê Huy Hoàng đã làm rõ tình hình gần đây, trong đó có các vụ vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam hợp tác với các nước giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Đại sứ Lê Huy Hoàng cũng nêu bật hợp tác giữa Việt Nam với Mozambique trên các lĩnh vực. Đáng chú ý là liên doanh Movitel giữa Tập đoàn Viettel của Việt Nam với tổng đầu tư trên 600 triệu USD, cùng nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Việt Nam đối với nước sở tại về nông nghiệp, giáo dục, y tế… cũng như việc triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình được Mozambique và nhiều nước châu Phi hoan nghênh.
Chủ trì buổi trao đổi thông tin, Giáo sư, Tiến sỹ Jose Magode, Hiệu trưởng trường Đại học Joaquim Chissano, bày tỏ cảm ơn Đại sứ và Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique đã chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình Đông Nam Á và chính sách đối ngoại của Việt Nam; đánh giá cao các thành tựu nổi bật của Việt Nam, đặc biệt về hội nhập, phát triển đất nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cũng như sự đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới; mong muốn Việt Nam đảm nhiệm tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Đánh giá cao buổi trao đổi với những nội dung bổ ích và thiết thực, giúp giảng viên và sinh viên Đại học Joaquim Chissano hiểu hơn về Việt Nam và tình hình khu vực, Giáo sư Jose Magode mong muốn trong thời gian tới Đại sứ Lê Huy Hoàng và Đại sứ quán Việt Nam sẽ định kỳ tổ chức các buổi thuyết giảng tương tự với trường, đồng thời bày tỏ mong muốn Đại sứ quán là cầu nối thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, trao đổi sinh viên với Học viện Ngoại giao và các trường đại học của Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức trình chiếu phim giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa ẩm thực Việt Nam tới bạn bè Mozambique. Đại sứ Lê Huy Hoàng cũng đã trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Mozambique (RM) về quan hệ hợp tác Việt Nam – Mozambique.
Đại học Joaquim Chissano (tiền thân là Học viện Quan hệ quốc tế) của Mozambique là nơi đào tạo cán bộ ngoại giao và hành chính công, hiện có 53 giảng viên với hơn 2.000 sinh viên. Trường có chương trình giảng dạy, nghiên cứu đa dạng về các lĩnh vực quan hệ quốc tế, hành chính công, quan hệ kinh tế quốc tế, an ninh quốc tế, khoa học chính trị, luật quốc tế và có sự liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi sinh viên với nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài như của Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản. Ngoài các chương trình đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Joaquim Chissano đang thúc đẩy các chương trình nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong các lĩnh vực hòa bình, xung đột và an ninh quốc tế, phát triển kinh tế, di cư quốc tế, chính sách đối ngoại, hội nhập khu vực và hành chính công.
(Theo Phi Hùng – Đình Lượng/Tin Tức)