+
Aa
-
like
comment

Việt Nam – chuẩn mực “phục hồi nhanh, kiểm soát tốt”

Lan Hoa - 24/09/2022 10:20

Mới đây, trang Economynext đã nhận định, Việt Nam một lần nữa được đánh giá cao về quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và khả năng kiểm soát lạm phát tốt trong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động.

Việt Nam được đánh giá là hình mẫu “phục hồi nhanh, kiểm soát tốt”

Trích số liệu từ Nikkei Asia đánh giá, nếu năm 2021, Việt Nam còn ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19 toàn cầu, thì đến đến tháng 5/2022 đã tăng 48 bậc và đứng ở vị trí thứ 14. Có thể thấy rằng, những chính sách phục hồi kinh tế của Việt Nam giống như một luồng sinh khí mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân cùng sáng tạo để hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Cũng từ đây, lưu thông giữa các tỉnh, thành phố đã cởi mở hơn, kinh tế dần hồi phục và tăng trưởng trở lại ở những tháng cuối năm 2021. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58% so với năm trước, đây là một thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bài viết về Việt Nam được đăng tải trên Economytext

Bước sang năm 2022, Chính phủ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện. Đặc biệt, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài, đồng thời ngừng yêu cầu kết quả xét nghiệm khi nhập cảnh từ tháng 5/2022.

Theo Nikkei Asia đánh giá, đây là bước tiến lớn của Việt Nam trong việc nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 và cũng là thành quả mà ít quốc gia ở châu Á đạt được. Sự thay đổi chính sách đã mang lại tín hiệu tốt cho khách du lịch, các nhà quản lý chuỗi cung ứng và bất kỳ bên nào khác dựa vào luồng giao thông thông suốt qua biên giới. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang trên con đường thoát khỏi đại dịch.

Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng đạt 5,03% trong Quý I/2022 và 7,72% trong Quý II/2022 – cao hơn cùng kỳ của giai đoạn 2020-2021. So với khu vực châu Á, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Riêng trong tháng 8/2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. CPI tháng 8 tăng nhẹ, chỉ 0,005% so với tháng trước. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh với chỉ số IIP tăng 2,9% với tháng trước; thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 8 tháng đạt gần 3,68 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD (tăng 15,5%), xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá rất cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Mới đây nhất, vào ngày 6/9, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định).

8 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Đặc biệt, giá năng lượng tăng cao đã gây ra lạm phát trên toàn thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất. Lạm phát tại Mỹ tháng 8/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 7/2022 đã lập kỷ lục tăng 8,9%, cao hơn nhiều lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tại châu Á, lạm phát tháng 7/2022 của Thái Lan tăng 7,61%; Hàn Quốc tăng 6,3%; Indonesia tăng 4,9%; Nhật Bản tăng tăng 2,6% và Trung Quốc tăng 2,7%.

Theo Economynext, tại Việt Nam, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được Chính phủ triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, nhờ đó mà lạm phát 8 tháng vừa qua vẫn được kiểm soát tốt ở mức 2,58%, đạt được mục tiêu dưới 4% đă đặt ra trước đó.

Giá xăng dầu tại Việt Nam luôn được bình ổn

Cụ thể 8 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã trải qua 22 đợt điều chỉnh, trong đó có 8 đợt giảm giá và đa số đều thay đổi theo hướng tích cực. Nằm trong nhóm hàng bình ổn, xăng dầu được Chính phủ Việt Nam đánh giá là mặt hàng chiến lược chủ chốt, nên giá bán được luôn được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất chưa tăng học phí năm học 2022 – 2023 như lộ trình trước đó, thậm chí các địa phương còn miễn, giảm học phí trong thời gian vừa qua để chia sẻ khó khăn cho người dân.

TPHCM đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trong năm 2022

Không những thế, mặc dù giá điện tại Việt Nam chưa có lần tăng giá nào nhưng Chính phủ cũng đã chủ động đề xuất không tăng giá điện trong năm nay mặc dù chi phí đầu vào như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng rất cao.

Từ đó có thể thấy, mặc dù lạm phát đã tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hoá thô tăng và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với trần lạm phát của cả thế giới; giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn tương đối ổn định. Cùng với đó, chính sách tài khoá được kỳ vọng sẽ tiếp tục định hướng hỗ trợ tăng trưởng, thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập cho các doanh nghiệp.

“Hơn nửa năm trôi qua, Việt Nam phục hồi cũng nhanh mà kiểm soát cũng tốt, những thành quả mà Việt Nam đạt được rất đáng để ghi nhận”, trang Economynext khẳng định.

Lan Hoa (Theo Economynext)

Bài mới
Đọc nhiều