Việt Nam – Hình mẫu lý tưởng để thế giới học hỏi

Viết trên trang AsiaGlobal Online (Châu Á Toàn cầu), ông James Borton, chuyên gia cao cấp của trường Đại học Johns Hopkins cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch có thể được xem như một “hình mẫu lý tưởng” để các quốc gia khác học hỏi.

Theo AsiaGlobal Online, từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề sản xuất. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Đây được coi là khung xương sống, là “kim chỉ nam” cho cả nước và toàn thể người dân cùng chung sức thực hiện.

Nhìn chung, các chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Hơn nữa, các chính sách được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không gây ảnh hưởng lớn đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm dư địa tài khóa, tiền tệ để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tốc độ tăng trưởng dương và củng cố niềm tin của cho người dân, cho doanh nghiệp.

Trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý II/2022 là 7,72% – mức cao nhất trong hơn 10 năm qua – góp phần thúc đẩy GDP 6 tháng tăng 6,42%. Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khá đồng đều trên cả 3 khu vực và ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước trong suốt nửa đầu năm 2022.

Cùng với đó, trong khi “cơn bão” lạm phát đang quét qua nhiều nền kinh tế lớn của thế giới thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân 6 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những quyết sách kinh tế đi kèm với chủ trương chống lại dịch của Việt Nam là đứng đắn, đem lại kết quả vô cùng mỹ mãn, theo AsiaGlobal Online.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng trưởng khá cao nhờ hoạt động sản xuất – kinh doanh được duy trì và đang dần phục hồi. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay lại hoạt động sẽ nâng tổng số doanh nghiệp tham gia thị trường lên 116.900. Với số doanh nghiệp tham gia và tái gia nhập thị trường lần đần tiên vượt mốc 100.000, các chuyên gia và tổ chức quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam đang có triển vọng rất khả quan trong giai đoạn phục hồi và có thể đạt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành sản xuất.

Ngoài ra, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng tại Việt Nam là hoạt động xuất nhập khẩu. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu ước đạt 710 triệu USD.

Bên cạnh đó, nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình rở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Đơn cử như gần đây, Samsung đã xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Hay Apple – hãng công nghệ hàng đầu thế giới – đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất công bố hồi tháng 6, theo Ngân hàng HSBC, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong 2022. Bằng việc cố gắng duy trì được mức tăng trưởng dương trong hai năm liên tiếp, Việt Nam hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau Covid-19.

Tương tự, trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5 % và năm 2023 sẽ đạt 6,7%. ADB đưa ra dự báo này sau khi xem xét nhiều yếu tố bao gồm việc Chính phủ Việt Nam chuyển hướng chính sách trong kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi.

Riêng ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho biết, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Hơn nữa, gói kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022 – 2023 sẽ giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra, đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Theo AsiaGlobal Online, những chỉ số trên là rất tích cực, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế trong bối cảnh phải đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh và các yếu tố bên ngoài. Kết quả này cho thấy Việt Nam đang thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng hòa các giải pháp đã đề ra cùng với công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp, ngành và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Thành công của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, bởi vậy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam có thể được xem như một “hình mẫu lý tưởng” để các quốc gia khác học hỏi, trang AsiaGlobal Online nhận định.

Thực hiện: Lan Hoa

Đồ họa: M.N